Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển công nghệ AI

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng và kết nối hạ tầng dữ liệu và tính toán, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như huy động, thu hút nguồn lực vào phát triển AI.
Ông Dương Duy Hưng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Vietnam+)
Ông Dương Duy Hưng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Vietnam+)

Ghi nhận công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) tại Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, song Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng và kết nối hạ tầng dữ liệu và tính toán, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như huy động, thu hút nguồn lực vào phát triển AI trong thời gian tới.

Nội dung trên được đề cập tại Hội thảo chuyên đề về “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa,” ngày 14/6, trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023,” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.

Quốc gia tiến bộ về đổi mới sáng tạo có hệ thống

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Duy Hưng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh qua gần 40 năm đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương, đường lối quan trọng, xuyên suốt của Đảng. Trong đó vai trò của khoa học công nghệ và của đổi mới sáng tạo luôn được khẳng định.

Đặc biệt tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Đảng đã xem xét, thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đồng thời làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

[Thủ tướng dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghệ 4.0]

Ông Dương Duy Hưng cho biết Nghị quyết lần đầu tiên đã đưa nội dung coi ngành công nghiệp công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thiết bị điện tử-viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn) là một trong 6 ngành công nghiệp nền tảng.

Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển công nghệ AI ảnh 1Hội thảo chuyên đề về “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa,” ngày 14/6. (Ảnh: Vietnam+)

Tại Việt Nam, Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ năm 2023” do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, ghi nhận chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo quốc gia đạt mức 51,82/100 và tăng 14 bậc so với trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72.

Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp cận và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được đánh giá xếp hạng thứ 48/132 quốc gia về chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2022 và là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và WIPO đánh giá đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng.

Ông Hưng chỉ ra thế giới đang dành sự quan tâm và đầu tư ngày càng nhiều cho AI vì những lợi ích to lớn mà nó đem lại. Thực tế, nhiều tổ chức quốc tế nhận định AI là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, tổ chức và doanh nghiệp.

Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PriceWaterhouse Coopers dự báo vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những ngành công nghiệp mới và việc làm mới.

“Sự phát triển của công nghệ AI đã được công nhận rộng rãi như một biểu hiện của sức mạnh toàn diện của một quốc gia thông qua năng lực thực hiện đổi mới, sáng tạo,” ông Hưng nói.

Với xu thế phát triển đó, ông Dương Duy Hưng nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào giải quyết, tháo gỡ, nhất là những nút thắt trong thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển. Đây là cơ sở góp phần thiết thực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chính sách lớn của Đảng, thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 (với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong top 4 của khu vực ASEAN và trong top 50 của thế giới).

“Cuộc chơi” đang thay đổi cuộc sống hàng ngày

Thứ tưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng 5 năm qua, các quyết định thay đổi phương thức làm việc là động lực lớn nhất trong thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Nổi bật là quyết định của Chính phủ trong việc không sử dụng, lưu hành văn bản giấy mà dùng phương thức điện tử. Với khối doanh nghiệp, một số khi vực như ngân hàng, dịch vụ trước sức ép về quy định chung trên toàn cầu đã đặt ra bắt buộc phải chuyển đổi, song những doanh nghiệp chưa hội nhập có thể còn chưa nhìn thấy những lợi ích. Trong đời sống xã hội, trí tuệ nhân tạo đang phát triển rất nhanh, như xử lý ảnh, video kết hợp mô hình AI tạo sinh, gần đây nhất là sự xuất hiệt của ChatGPT. Trên cơ sở đó, “cuộc chơi” đang thay đổi cuộc sống hàng ngày.

Theo ông Duy, các chủ trương chính sách đã được triển khai nhanh và quyết liệt bắt kịp với xu hướng, nhờ đó Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả cụ thể. Song, với tốc độ phát triển AI trên thế giới như hiện nay thì tốc độ triển khai của Việt Nam có sự chậm hơn, do đó cần sớm có những chính sách phù hợp để bắt kịp xu hướng.

Cụ thể, Việt Nam cần chú ý đến một số trụ cột, bao gồm nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và thể chế. Trên tinh thần đó, các trường, viện nghiên cứu trong đào tạo cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, để từ đó có được đội ngũ AI, nhóm kỹ năng công nghệ số và AI cho toàn xã hội.

Đặc biệt là về quy định thể chế và đạo đức trong ứng dụng, phát triển AI. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết cơ quan bộ đang cùng các chuyên gia Australia xây dựng hệ thống quy định AI có trách nhiệm (từ người xây dựng hệ thống đến những người sử dụng). Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp cần quan tâm hơn về đào tạo nhân lực, xây dựng hệ thống cho riêng mình.

Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển công nghệ AI ảnh 2Với tốc độ phát triển AI trên thế giới như hiện nay thì tốc độ triển khai của Việt Nam có sự chậm hơn, do đó cần sớm có những chính sách phù hợp để bắt kịp xu hướng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Về hệ thống cơ sở dữ liệu, đại diện của Tập đoàn Viettel cho rằng các bên liên quan cần có sự tương tác với nhau để chia sẻ cũng như từ đó sản sinh, khai thác dữ liệu. Yêu cầu đặt ra cần có một hệ sinh thái tạo môi trường để tạo và quản lý, chia sẻ các sáng kiến về dữ liệu. Song, việc xây hệ sinh thái đang gặp rất số vấn đề và thiếu rất nhiều yếu tố từ nhân tố lãnh đạo, cơ chế hợp tác, sự tin tưởng, chất lượng dữ liệu, tương tác, quy chế chia sẻ dữ liệu.

Đại diện Viettel kiến nghị Việt Nam cần xây dựng một chính sách tường minh về công việc, trách nhiệm của các cấp, đơn vị, trên cơ sở áp dụng chế tài, cơ chế thúc đẩy công nghệ số. Mặt khác, cơ sở hạ tầng cần được đảm bảo từ viễn thông, cloud, IoT và AI. Thêm vào đó là chính sách về phổ cập di động và internet để người dân tiếp cận rộng rãi dữ liệu số, môi trường hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chia sẻ dữ liệu. Về thu hút nguồn năng lực, việc hợp tác công-tư cần phải tăng cường, nhất là về tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng liên quan tới dữ liệu số.

Ông Dương Duy Hưng cho biết Ban tổ chức hội thảo sẽ tập hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để góp phần nhanh chóng thể chế hóa và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục