Việt Nam chỉ giảm được 2% số người hút thuốc lá

Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới và sau 6 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ này chỉ giảm được 2% so với trước khi Luật có hiệu lực.
Việt Nam chỉ giảm được 2% số người hút thuốc lá ảnh 1(Ảnh minh họa: Đinh Hằng/TTXVN)

Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới và sau 6 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ này chỉ giảm được 2% so với trước khi Luật có hiệu lực.

Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 10/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp Chế - Bộ Y  tế cho biết, Việt Nam hiện nay có khoảng 17 triệu người hút thuốc lá, trong đó trên 45% nam giới và 1,1% phụ nữ trưởng thành hút thuốc lá.

Số lượng người hút thuốc lá cao nên ước tính có khoảng 33 triệu dân phải chịu hút thuốc lá thụ động. Đặc biệt, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá, cao hơn rất nhiều so với số lượng người chết vì tai nạn giao thông, HIV/AIDS.

Tuy nhiên, nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá vẫn còn hạn chế, dù hành vi hút thuốc lá tại cơ quan, nơi làm việc đã giảm nhưng tình trạng hút thuốc tại các cơ sở vui chơi giải trí, bệnh viện, nơi đông người vẫn còn khá phổ biến.

Vì thế, sau 6 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào thực tế, tỷ lệ người hút thuốc lá chỉ giảm 2%.

[Đầu lọc thuốc lá - chất thải nhựa gây hại cho đại dương]

Phân tích nguyên nhân tỷ lệ người hút thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn cao, Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, tại Việt Nam thuốc lá là mặt hàng dễ mua, dễ thấy, ai cũng có thể mua được.

Trong khi đó, giá thuốc lá lại rẻ hơn rất nhiều so với khu vực và thế giới do không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp thuốc lá đã có những ý kiến phản đối cản trở việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này với những lý do như: đóng góp thuế cho Ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo...

Nhưng thực tế, ước tính trong năm 2015, đóng góp ngân sách từ ngành công nghiệp thuốc lá khoảng 15.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, số tiền mà người dân Việt Nam chi cho thuốc lá lên đến 55.000 tỷ đồng, trong đó 31.000 tỷ đồng dùng vào việc mua thuốc lá và 24.000 tỷ đồng dùng cho chi phí điều trị y tế mà thuốc lá gây ra.

Vì thế, bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng, muốn giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trước hết cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng giá các sản phẩm thuốc lá nhằm giảm sức mua, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật do thuốc lá.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và thông tin trên mạng - Bộ Thông tin và Truyền thông lại cho rằng, việc quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện truyền thông chính thống đã được hạn chế.

Tuy nhiên,hoạt động quảng cáo thuốc lá trên mạng xã hội, hành vi tiếp thị trực tiếp sản phẩm thuốc lá tại các nhà hàng, khách sạn vẫn chưa thể kiểm soát.

Bên cạnh đó, việc trưng bày thuốc lá tại các điểm bán vẫn thường xuyên vi phạm. Chưa kể các doanh nghiệp thuốc lá tìm mọi cách “lách luật” để quảng cáo, tiếp thị thuốc lá...

Thuốc lá đã trở thành gánh nặng kinh tế và gánh nặng bệnh tật, là cái bẫy “nghèo hóa” đối với nhiều gia đình Việt Nam. Do vậy, các đại biểu kiến nghị, cần có những biện pháp cứng rắn hơn trong thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới.

Đồng thời, không ngừng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá bởi hút thuốc lá không những ảnh hưởng chính sức khỏe của bản thân mà còn gây ra hậu quả khôn lường cho cộng đồng, xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục