Việt Nam đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế

Năm 2009 Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững.
Sáng 2/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 24 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.

Tại phiên họp, Ủy ban nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương 2010.

Duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 2009 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 đánh giá, năm 2009 đã thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững.

Nền kinh tế Việt Nam chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng chỉ bị suy giảm, không rơi vào tình trạng suy thoái như các nước khác.

Mức tăng trưởng khoảng 5,2% là một kết quả đáng khích lệ trong điều kiện suy thoái kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu, nguồn vốn đầu tư FDI bị thu hẹp.

Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định; các cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế... cơ bản được bảo đảm, lạm phát được kiềm chế với tỷ lệ lạm phát khoảng 7%, tương đương mức trung bình của nhiều năm trước; công tác an sinh xã hội được chú trọng đúng mức...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhất trí với báo cáo của Chính phủ cho rằng, bằng sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân, bằng những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp, nền kinh tế đã dần phục hồi trong quý II và quý III.

Những tháng đầu năm, cả nước đã thực hiện và đạt được những mục tiêu chính theo Nghị quyết của Quốc hội như ngăn chặn được sự suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý; giữ ổn định cân đối kinh tế vĩ mô của nền kinh tế, đảm bảo ổn định chính sách tiền tệ, tín dụng đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, kiểm soát nhập siêu; đảm bảo an sinh xã hội, tiến hành có hiệu quả các chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân, học sinh...

Các bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện đạt kết quả các gói giải pháp kích thích kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh và đạt những bước tiến mới với kết quả 100% các bộ, ngành và 61/63 địa phương đã công bố bộ thủ tục hành chính và hiện đang khẩn trương tiến hành công tác rà soát, sửa đổi những thủ tục gây phiền hà, vướng mắc.

Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đã đạt được những kết quả tích cực.

Bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo thẩm tra đã nêu một số khuyết điểm, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như một số cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn; tăng trưởng kinh tế vẫn theo quy mô chiều rộng, chất lượng tăng trưởng chưa cao.

Bên cạnh đó, vấn đề giải ngân các nguồn vốn đầu tư vẫn còn chậm; cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp tập trung ở lĩnh vực bất động sản nên không tạo ra nhiều việc làm và ít có khả năng chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; kết quả công tác giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, khu vực còn cao..

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% vào năm 2010

Năm 2010, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% so với năm 2009; GDP theo giá thực tế khoảng 1.931.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 106 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 1.200 USD.

Do đó, sẽ có 6 nhóm giải pháp về cơ chế chính sách chủ yếu trong năm 2010 như thúc đẩy đầu tư, phát triển mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế...

Tán thành báo cáo của Chính phủ về một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2010, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm tới một số giải pháp như tiếp tục thực hiện chính sách kích thích kinh tế một cách hợp lý, có sự điều chỉnh thích hợp về phương pháp và đối tượng; tập trung bảo đảm các cân đối vĩ mô quan trọng; nghiên cứu, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện thực trạng kinh tế trên cơ sở phân tích lợi thế so sánh của nền kinh tế...

Tại phiên họp này, các đại biểu đã nghe Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2010.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về các nội dung này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục