Việt Nam dự COP 26: Chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt

Chỉ tính riêng năm 2020, thời tiết cực đoan đã cướp đi hàng trăm sinh mạng và xóa sạch thành quả hàng chục năm về giảm nghèo của nhiều vùng trên cả nước.
Việt Nam dự COP 26: Chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt ảnh 1Những chân ruộng do thiếu nước đã nứt nẻ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thời tiết cực đoan đang là biểu hiện rõ rệt do tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Chỉ tính riêng năm 2020, thời tiết cực đoan đã cướp đi hàng trăm sinh mạng và xóa sạch thành quả hàng chục năm về giảm nghèo của nhiều vùng trên cả nước.

Thời tiết cực đoan diện rộng và dày hơn

Hiện nay, ở Việt Nam, do tác động của biến đổi khí hậu, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan diện rộng và dày hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa và nông sản lớn, nơi sinh sống của 20 triệu người, đang bị nước biển dâng gây hậu quả nặng nề, nhất là vào cuối thế kỷ này.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, hạn hán lại tiếp tục tái diễn trong năm 2019-2020 với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn so với đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016.

Trong năm 2020, nguồn nước trên các sông, suối khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35% đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 80%.

[Việt Nam dự COP 26: Đoàn kết để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu]

Bão lớn cấp 4 và 5 diễn ra thường xuyên hơn nhiều trong vòng 35 năm trở lại đây đã dịch chuyển dần xuống phía Nam trong vòng 5 thập kỷ qua.

Các hiện tượng bất thường của khí hậu, thời tiết đã xảy ra liên tục ở nhiều vùng, gây ra sạt lở, lũ ống lũ quét trên diện rộng với sức tàn phá to lớn ở Yên Bái năm 2017, Thanh Hóa các năm 2018, 2019.

Mưa lớn lịch sử trong vòng 60 năm gây thiệt hại to lớn cho Hà Giang và một số địa phương ở miền Bắc.

Trong năm 2020, thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường, khốc liệt. Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Đặc biệt, cuối năm 2020, miền Trung đã phải gồng mình gánh chịu thiên tai: Lũ chồng lũ, bão chồng bão với những mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo Văn phòng thường trực, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam đã xảy ra 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 109 trận động đất nhẹ, 316 trận mưa đá, dông lốc, sét; 140 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 157 vụ sạt lở bờ sông, 7 đợt nắng nóng và 6 đợt không khí lạnh, gió mùa đông bắc. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 1.428 tỷ đồng.

Tác động do biến đổi khí hậu đang trở thành nguyên nhân gây ra những thách thức an ninh khí hậu, nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định và phát triển đất nước, tạo ra những làn sóng di cư.

Thống kê gần đây cho thấy trong 10 năm trở lại đây, đã có 1,7 triệu người đã di cư ra khỏi Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi chỉ có 700.000 người mới chuyển đến, tỷ lệ di cư này là gấp hai lần trung bình cả nước.

Theo Tiến sỹ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các nghiên cứu khác cho thấy, xu hướng gia tăng biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi trong tương lai.

Đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng từ 0,6 độ C-4 độ C. Lượng mưa có xu hướng tăng tập trung vào mùa mưa và giảm vào mùa khô. Nước biển dâng từ 36-100cm thay đổi theo kịch bản và vị trí địa lý.

Việt Nam dự COP 26: Chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt ảnh 2Nhiều làng ven biển bị xóa sổ do nạn xâm thực. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 100cm, 6,3% diện tích đất của Việt Nam sẽ bị ngập lụt, 4% hệ thống đường sắt, 9% hệ thống đường quốc lộ và 12% hệ thống đường tỉnh lộ sẽ bị ảnh hưởng; trên 10% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh; trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến trên 9% dân số vùng Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh.

Riêng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.

Xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.

Song hành với những nhiệm vụ trên, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ sửa chữa hư hỏng, sự cố công trình phòng, chống thiên tai, nhất là các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ; di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai...

Đặc biệt là chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân...

Nỗ lực góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu

Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã dành hàng tỷ USD cho phòng, chống và phục hồi trước những thiên tai do biến đổi khí hậu như lũ lụt, bão, hạn hán… với cường độ ngày càng khốc liệt.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện, như Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Năm 2015, tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Các bên tham gia Thỏa thuận có trách nhiệm xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tập trung vào 7 nhóm lĩnh vực là tăng cường công tác quản lý nhà nước và nguồn lực; nông nghiệp; phòng, chống thiên tai; môi trường và đa dạng sinh học; tài nguyên nước; cơ sở hạ tầng; các lĩnh vực khác, gồm sức khoẻ cộng đồng, lao động-xã hội, văn hóa-thể thao-du lịch.

Các nhóm nhiệm vụ được xác định gồm: nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua tăng cường quản lý nhà nước, thúc đẩy lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đề ra; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức, sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, song Việt Nam luôn xác định tăng trưởng xanh là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững. Việt Nam luôn chủ động, trách nhiệm trong hợp tác và thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các đối tác thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhất là tiếp cận các nguồn tài chính và chuyển giao công nghệ.

Là một nước đang phát triển chỉ mới bắt đầu công nghiệp hóa trong ba thập kỷ qua, nhưng Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung toàn cầu.

Việt Nam đã sớm gửi Liên hợp quốc Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) và đưa vào luật để tổ chức thực hiện nghiêm túc.

So với Đóng góp do Quốc gia tự quyết định đã đệ trình, đến nay đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong trường hợp quốc gia tự thực hiện đã tăng cả về lượng giảm phát thải và tỷ lệ giảm phát thải.

Đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương.

Trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của một nước đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Đóng góp do Quốc gia tự quyết định cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật.

Việt Nam sẽ tiếp tục giảm rất mạnh điện than; tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí mêtan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%.

Việt Nam dự COP 26: Chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt ảnh 3Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Từ đầu tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh đến 2025, điều này sẽ hấp thụ 2-3% lượng phát thải vào 2030…

Đầu tháng 10/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Đó là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Nghị định cũng là cơ sở quan trọng để quản lý các hoạt động phát thải khí nhà kính, tiền đề phát triển thị trường carbon; thực hiện các biện pháp quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ozone mà Việt Nam tham gia là thành viên, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Việc ban hành Nghị định nhằm khắc phục những thiếu hụt và bất cập trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tầng ozone như thiếu các văn bản quy phạm pháp luật có tính hệ thống và các biện pháp quản lý hành chính, kỹ thuật cần thiết; hệ thống thông tin dữ liệu còn phân tán, gây khó khăn cho công tác quản lý và trong việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo trong nước và quốc tế. Nhận thức của xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng còn nhiều hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam.

Đây cũng là tiền đề phát triển thị trường carbon trong nước; quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ozone mà Việt Nam là thành viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục