Việt Nam hợp tác chống buôn bán gỗ bất hợp pháp

Chính phủ Việt Nam hoàn toàn ủng hộ và nhất trí cao với các quy định mới của quốc tế trong vấn đề chống buôn bán gỗ bất hợp pháp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị khẳng định, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn ủng hộ và nhất trí cao với các quy định mới của quốc tế về chống buôn bán gỗ bất hợp pháp trong đó có quy định về trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp mà Nghị viện và Hội đồng châu Âu vừa thông qua.

Ông Hứa Đức Nhị phát biểu như vậy trong phiên thảo luận chia sẻ thông tin về các yêu cầu của Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Liên minh châu Âu cùng các bên liên quan tổ chức trong hai ngày 3 và 4/8, tại Hà Nội.

Kế hoạch hành động của Việt Nam nhằm thích ứng với những thay đổi của thị trường, quá trình đàm phán VPA và các nghiên cứu về Luật, các quy định của Việt Nam có liên quan đến gỗ và lâm sản cũng sẽ được thảo luận tại Hội thảo tham vấn quốc gia về Chương trình hành động Tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) này.

Ông Hứa Đức Nhị cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo vệ và phát triển rừng, tập trung vào mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Việt Nam đã tham gia vào chương trình FLEG của ASEAN năm 2001. Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống thống văn bản pháp luật cho phù hợp hơn với thông lệ quy định quốc tế và chủ trương xã hội hóa nghề rừng, ông Nhị nói.

Ở Việt Nam, trong thập niên vừa qua, ngành chế biến gỗ đã phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ từ năm 2000 đến 2010 của Việt Nam đã tăng gấp 10 lần và đạt khoảng 3,44 tỷ USD vào năm 2010.Thị trường xuất khẩu chủ lực của sản phẩm gỗ của việt Nam là Mỹ chiếm khoảng 45% và EU khoảng 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đang phải đương đầu với thách thức của việc thích ứng với những thay đổi của thị trường , đặc biệt là Đạo Luật Lacey của Mỹ và qui định FLEGT của Liên minh châu Âu. Đó là các quy định rất nghiêm ngặt để đảm bảo sản phẩm gỗ được nhập khẩu vào các thị trường này phải được sản xuất từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.

Ông Hans Farnhammer, Đại biện lâm thời, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết nạn khai thác bất hợp pháp và các vấn đề thương mại có liên quan tới các sản phẩm gỗ. EU hiện là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ hai đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên EU tiến hành đàm phán VPA với một quốc gia mà vừa là đối tác thương mại và kinh tế quan trọng nhưng cũng là đối tác có ngành công nghiệp chế biến phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động nhập khẩu gỗ và đây chính là thách thức đang gặp phải, ông Hans Farnhammer nói.

Năm 2003, EU đã phê chuẩn Kế hoạch Hành động FLEGT nhằm giải quyết vấn nạn buôn bán gỗ và các sản phẩm gỗ trái phép. Công cụ thực thị chính của Kế hoạch Hành động FLEGT là các Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) giữa các quốc gia sản xuất gỗ và EU. FLEGT sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2012.

Tham dự Hội thảo tham vấn quốc gia về FLEGT/VPA lần này có hơn 120 đại biểu tham dự là các nhà quản lý, đặc biệt là các tỉnh có nhiều rừng và có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển và đại diện các tổ chức quốc tế./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục