Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 14/10, Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tài chính của Khóa 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thảo luận về hoạt động của Hệ thống Phát triển Liên hợp quốc.
Tại đây, Việt Nam lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đảm bảo tài chính cho các hoạt động này.
Tại phiên thảo luận, các nước đều đánh giá cao vai trò quan trọng của Hệ thống Phát triển Liên hợp quốc trong thúc đẩy phát triển bền vững, đồng thời tỏ quan ngại về việc hoạt động phát triển chưa nhận được quan tâm đầy đủ như các hoạt động khác của Liên hợp quốc.
[Việt Nam đề cao tầm quan trọng của tiến trình phi thực dân hóa tại LHQ]
Để tăng cường vai trò của hệ thống phát triển, các nước kêu gọi đảm bảo ngân sách cho Hệ thống Phát triển Liên hợp quốc, qua đó có thể hỗ trợ các nước thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng hệ thống phát triển Liên hợp quốc cũng cần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu, ưu tiên và kế hoạch của từng quốc gia.
Phát biểu tại phiên họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cảm ơn sự hỗ trợ của hệ thống phát triển Liên hợp quốc trong hơn 45 năm qua và đề cao vai trò quan trọng của hệ thống phát triển trong quá trình triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh để tăng cường các hoạt động phát triển, cần cung cấp ngân sách đầy đủ và ổn định, đảm bảo cân bằng giữa nguồn ngân sách thường xuyên và nguồn ngân sách huy động.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường quan hệ đối tác với các thể chế tài chính, đối tác phát triển và khu vực tư nhân để thực hiện các SDG.
Các đối tác phát triển cần tăng đóng góp cho ngân sách thường xuyên để hoạt động phát triển Liên hợp quốc đảm bảo được tính trung lập, tự nguyện, phổ quát và đa phương.
Đại diện Việt Nam bày tỏ ủng hộ tiến trình cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc để tăng tính hiệu quả, gắn kết, hỗ trợ tốt hơn cho các nỗ lực quốc gia, đáp ứng nhu cầu, ưu tiên và chiến lược của mỗi nước.
Đồng thời, đại diện Việt Nam chia sẻ đánh giá của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng các cơ quan Liên hợp quốc cũng cần tăng cường kỹ năng, chuyên môn và thể chế để hỗ trợ tốt hơn các nước trong quá trình chuyển đổi năng lượng, hệ thống lương thực và chuyển đổi số, xóa nghèo, thúc đẩy bảo trợ xã hội, giáo dục, bảo hiểm y tế và hành động khí hậu.
Hợp tác ở cấp độ khu vực cũng cần được tăng cường để tối ưu hóa chuyên môn nhằm hỗ trợ các điều phối viên và cơ quan Liên hợp quốc ở cấp quốc gia./.