Việt Nam là đối tác tại Diễn đàn Đổi mới Quốc tế St.Petersburg thứ 14

Diễn đàn được tổ chức tại Expoforum với hơn 50 sự kiện, thảo luận về đột phá công nghệ trước những hạn chế và sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Việt Nam là đối tác tại Diễn đàn Đổi mới Quốc tế St.Petersburg thứ 14 ảnh 1Diễn đàn được tổ chức tại Expoforum. (Nguồn: Wikimedia.org)

Ngày 10/11, Thống đốc thành phố St. Petersburg (Nga) ông Alexander Beglov đã khai mạc Diễn đàn Đổi mới Quốc tế St.Petersburg (PMIF) lần thứ 14. Việt Nam là đối tác của sự kiện năm nay. 

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, diễn đàn được tổ chức tại Expoforum trong 3 ngày từ 10-12/11 với hơn 50 sự kiện, thảo luận về đột phá công nghệ trước những hạn chế và sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Phát biểu trước các khách mời và đại biểu, Thống đốc Beglov khẳng định diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Nga, đồng thời bày tỏ ủng hộ các tổ chức phát triển, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi đã phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Chính sách công nghiệp mới: Sẵn sàng cho sự thay đổi.”

Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng điều giúp Việt Nam đạt được những thành quả kinh tế ấn tượng như hiện nay đó là một dân tộc yêu lao động, nhà nước quan tâm đến hạnh phúc của nhân dân cũng như phát triển kinh tế.

Đại sứ Đăng Minh Khôi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự giúp đỡ to mà Liên Xô trước kia cũng như nước Nga dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển kinh tế.

Ông cho rằng một trong những nền tảng giúp Việt Nam phát triển như ngày nay là nhờ Liên Xô trước kia và nước Nga hiện nay giúp phát triển ngành công nghiệp dầu khí cũng như đào tạo mỗi năm hàng nghìn sinh viên Việt Nam.

[Việt Nam-Nga đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại-khoa học kỹ thuật]

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Đỗ Xuân Hoàng, cho rằng đổi mới sáng tạo đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay, đang làm thay đổi cục diện kinh tế xã hội.

Trên thực tế, đổi mới sáng tạo là điều kiện cần thiết cho sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp hay nền kinh tế nào và Diễn đàn quốc tế St. Petersburg về đổi mới sáng tạo là ví dụ cho thấy sự tích cực của chính quyền, vốn là chìa khóa thành công của quá trình thích ứng nền kinh tế với thực tế mới và sự biến động của kinh tế toàn cầu.

Các đại biểu đã thảo luận về các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế xanh ảnh hưởng như thế nào trong tương lai, các xu hướng công nghệ toàn cầu hòa nhập vào cuộc sống…

Cũng trong khuôn khổ PMIF, đã diễn ra hội thảo bàn tròn “Việt Nam - quốc gia đối tác” với nội dung thảo luận về triển vọng hợp tác kinh tế thương mại giữa thành phố St. Petersburg với các địa phương Việt Nam.

Buổi thảo luận có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, các trung tâm khoa học và y tế, các tổ chức công của thành phố St. Petersburg, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và tỉnh Khánh Hòa.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Evgeny Grigoriev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thành phố St. Petersburg, lưu ý rằng hợp tác giữa St. Petersburg và Việt Nam là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Ông Grigoriev cũng đề cập đến sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ thăm chính thức Liên bang Nga vào cuối năm nay.

Về phần mình, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam không ngừng tăng lên. Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,9 tỷ USD, tăng 8% so với một năm trước đó. Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch song phương đã đạt 3,8 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong lĩnh vực phòng chống COVID-19, nhờ đó Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên đóng chai thành công vaccine Sputnik V ở Đông Nam Á và hướng tới trở thành trung tâm sản xuất Sputnik V tại khu vực.

Các đại biểu tham dự sự kiện đã thảo luận về triển vọng hợp tác giữa các doanh nghiệp của St. Petersburg và Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực đa dạng như điều trị ung thư bằng xạ trị proton, dược, xử lý chất thải rắn, vật liệu điện và mạng điện, du lịch, mây tre đan, nông sản, phần mềm, khu công nghiệp…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục