Việt Nam luôn chú trọng công tác giảm nghèo

Việt Nam luôn giữ vững quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó chú trọng công tác giảm nghèo.
Ngày 25/5 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo định hướng chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2020.

Hội thảo khẳng định, trong suốt quá trình đổi mới, Chính phủ Việt Nam luôn giữ vững quan điểm xuyên suốt là phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó chú trọng công tác giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm yếu thế như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, dân tộc thiểu số.

Đến nay, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đến năm 2015. Trong đó, lĩnh vực giảm nghèo là một thành tựu quan trọng được nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế công nhận.

Kết quả đó có sự đóng góp trực tiếp toàn diện của các chương trình, chính sách liên quan đến giảm nghèo đã được xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo...

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới, các chương trình và chính sách giảm nghèo cũng bộc lộ những bất cập, chưa bao quát toàn diện công tác giảm nghèo. Nhiều chương trình và chính sách giảm nghèo được “hòa trộn” với các chính sách trợ cấp xã hội.

Các chính sách giảm nghèo được quản lý bởi nhiều bộ, ngành khác nhau. Sự phát triển nhanh của các chính sách, sự chồng chéo và khó khăn trong phối hợp lồng ghép giữa các chương trình đã ảnh hưởng tới hiệu quả và khả năng đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá tổng quan về các chương trình và chính sách giảm nghèo hiện nay, nêu rõ những hạn chế, tồn tại và đề xuất hướng khắc phục khi thiết kế các chương trình, chính sách giảm nghèo trong giai đoạn tới.

Các đại biểu cũng đưa ra những nguyên tắc mang tính định hướng trong thiết kế Khung Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2020, Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… xác định rõ vai trò, vị trí của mỗi chương trình và mối liên hệ của nó với các cấu phần trong Khung Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2020.

Ngoài ra, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, nhấn mạnh những vấn đề quan trọng, cập nhật nhất cần được xem xét trong quá trình thiết kế các Chương trình và Chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 và 2011-2020./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục