Tròn 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009), ngày 7/6/2019, Việt Nam một lần nữa được xướng lên trong khán phòng họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở phiên bỏ phiếu bầu Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, với số phiếu cao gần như tuyệt đối, 192/193 phiếu.
Việc Việt Nam trong thời gian ngắn hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuyển từ thành viên tham dự sang thành viên chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Việt Nam trưởng thành trong Liên hợp quốc
Đúng 30 năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh (20/91977), tháng 10/2007, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 ngay trong vòng bỏ phiếu kín đầu tiên với 183 phiếu ủng hộ trong tổng số 192 thành viên Đại hội đồng tham gia bỏ phiếu, chiếm tới 96%.
Vào thời điểm đó, người đứng đầu Nhà nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: "Việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, nhận được cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh đã nói lên thắng lợi về công tác đối ngoại của chúng ta trong năm qua. Uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế."
Xuất phát từ nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, ngay từ năm 1997, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cùng với những nỗ lực tranh thủ ủng hộ của các nước, trong 10 năm tiếp theo sau đó, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tích cực để đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Hội đồng Bảo an, mặc dù có những kinh nghiệm quý báu qua các cuộc đàm phán lịch sử trước đây hay việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn như Hội nghị APEC, ASEM, ASEAN... song với các nhà ngoại giao trong Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đây là lần đầu tiên họ bắt tay vào công việc mới và rất nặng nề mang cấp độ toàn cầu.
Với vị trí là một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc, có trách nhiệm hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ở nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an đã xử lý một khối lượng công việc lớn với hơn 1.500 cuộc họp (trung bình 2,5 cuộc họp/ngày); thông qua 113 Nghị quyết, 165 Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố báo chí thuộc trên 50 đề mục của chương trình nghị sự; xử lý nhiều vấn đề phức tạp về: Kosovo, hạt nhân của Iran, hòa bình Trung Đông, cuộc chiến tại Nam Otresnia/Apkhzia, cũng như những vấn đề liên quan đến khu vực châu Á mà Việt Nam là đại diện như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Myanmar...
[Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA: Ghi đậm dấu ấn trên trường quốc tế]
Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoàn thành tốt trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, tham gia chủ động, thể hiện lập trường độc lập tự chủ, đóng góp xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm, khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên; đồng thời có nhiều sáng kiến và đóng góp vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, được các nước đánh giá cao.
Việt Nam không chỉ bắt nhịp nhanh, tham gia đầy đủ hơn 1.500 cuộc họp của Hội đồng Bảo an, mà còn đóng góp tích cực trên tất cả các vấn đề, các khâu từ phát biểu, tham gia thương lượng, đóng góp xây dựng nghị quyết, văn kiện; làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số tiểu ban của Hội đồng Bảo an; hai lần làm Chủ tịch tháng (tháng 7 và tháng 10/2009) của Hội đồng Bảo an; chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết số 1889 về phụ nữ, hòa bình và an ninh - một trong 4 văn kiện quan trọng của Hội đồng Bảo an trong lĩnh vực này; đưa ra sáng kiến về việc tham vấn với các thành viên Liên hợp quốc để xây dựng Báo cáo hằng năm của Hội đồng Bảo an thực chất, toàn diện hơn.
Nhận định về vai trò của Việt Nam trong Hội đồng Bảo an cũng như Liên hợp quốc, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá Việt Nam là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, ủng hộ rất tích cực cho các mối quan hệ đa phương. Mở rộng, đẩy mạnh các quan hệ đa phương cũng chính là mục tiêu của Liên hợp quốc. Do đó, Liên hợp quốc luôn nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia không những ủng hộ mạnh mẽ quan hệ đa phương, mà còn tuân thủ rất nghiêm túc tất cả luật lệ cũng như các quy tắc của mối quan hệ này.
"10 năm trước, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Trong thời gian đó, Việt Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng trong Hội đồng Bảo an, đặc biệt là trong việc ủng hộ Nghị quyết của Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đây là một nghị quyết có tính chất lịch sử của Liên hợp quốc. Hiện Việt Nam cũng đang tăng cường vai trò của mình trong việc tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình," ông Kamal Malhotra cho biết.
Nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế
Ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam tiếp tục ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
Trong lần thứ hai ứng cử, Việt Nam cũng được nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương đồng thuận thông qua là ứng viên duy nhất của nhóm cho cương vị quan trọng này và Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục.
Nhân sự kiện lịch sử này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới."
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, các nhà ngoại giao Việt Nam phải xử lý một khối lượng lớn công việc liên quan đến những vấn đề toàn cầu. Đến nhiệm kỳ thứ hai, Việt Nam cùng với các nước thành viên vừa phải giải quyết các vấn đề toàn cầu vừa phải nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tác động làm thay đổi toàn diện tình hình thế giới.
Nhận định trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, chủ nghĩa đa phương và Liên hợp quốc gặp nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần đoàn kết và đề cao những giá trị cốt lõi, nền móng của Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như hợp tác đa phương duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, Việt Nam đã đề xuất và tổ chức rất thành công Phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an với chủ đề: “Tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ hòa bình và an ninh."
Phiên thảo luận diễn ra trong không khí sôi nổi với hơn 100 đại diện các nước tham gia phát biểu. Chủ đề Việt Nam lựa chọn, đề xuất và được Hội đồng Bảo an nhất trí đưa ra thảo luận là rất đúng và trúng, phù hợp với lợi ích của hầu hết các nước thành viên Liên hợp quốc, cũng như hướng đến kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc.
Phiên thảo luận này đã đi vào lịch sử của Liên hợp quốc khi lần đầu tiên, tại một Phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an có tới 111 bài phát biểu. Đây cũng là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an đưa ra một tuyên bố riêng về Hiến chương Liên hợp quốc.
Trong 31 ngày làm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, từ sáng kiến của Việt Nam, Hội đồng lần đầu tiên tổ chức phiên họp về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận xét đây là lần đầu tiên nội dung hợp tác giữa Hội đồng Bảo an với một tổ chức khu vực được nêu ra.
Trong thảo luận, các nước thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh các bài học thành công của ASEAN là nguồn kinh nghiệm quý báu về phát huy tinh thần cộng đồng và bản sắc thống nhất trong đa dạng. Các nước đánh giá cao phương cách của ASEAN là hình mẫu tham vấn, hợp tác và xây dựng đồng thuận, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác thông qua các cơ chế do ASEAN khởi xướng, chủ trì và dẫn dắt, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đồng thời bày tỏ hy vọng ASEAN sẽ tiếp tục phát huy nỗ lực và vai trò trong các vấn đề thuộc quan tâm chung ở khu vực và toàn cầu.
Đáng chú ý, ngày 24/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã đồng thuận thông qua Nghị quyết về hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc. Nghị quyết, với 110 nước đồng bảo trợ, đạt kỷ lục về số nước đồng bảo trợ kể từ khi nghị quyết về hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc được đưa ra lần đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2002.
Trong tháng 1/2020, Việt Nam là Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, trong đó có 2 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo và 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tin của Liên hợp quốc.
Trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã thông qua 13 quyết định, bao gồm 4 nghị quyết và một quyết định về việc gia hạn các phái bộ, lực lượng và cơ chế Liên hợp quốc, một tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí. Đây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của Hội đồng Bảo an nhiều năm gần đây.
Ông Marc Pecsteen de Buytswerve, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ tại Liên hợp quốc (Bỉ là Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 2/2020) đã đánh giá: "Thật khó khi bắt đầu nhiệm kỳ mà phải đảm nhận vị trí chủ tịch ngay như vậy, sẽ có rất nhiều thách thức, tuy nhiên Việt Nam đã làm rất tốt và đã thực sự tạo được dấu ấn."
Cũng trong năm đầu tiên làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã chứng tỏ năng lực chủ trì, điều hành công việc của các cơ quan trực thuộc của Hội đồng Bảo an mà Việt Nam làm Chủ tịch, nhất là Ủy ban theo dõi thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Nam Sudan (nơi Việt Nam triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2).
Là điều phối viên của nhóm các nước Ủy viên không thường trực (E10) trong tháng 5/2020, Việt Nam đã chủ động nối lại cơ chế họp hằng tháng bị gián đoạn do dịch COVID-19 giữa E10 và Tổng thư ký Liên hợp quốc qua hình thức trực tuyến.
Theo tinh thần Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Việt Nam đã thể hiện và phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất sáng kiến khi lần lượt chủ trì tổ chức cuộc họp 10 nước Ủy viên không thường trực đương nhiệm và 5 nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực với chủ đề “Nỗ lực chung vì Hội đồng Bảo an hiệu quả: Kinh nghiệm và bài học cho các nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an” và Hội nghị quốc tế với chủ đề “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả," góp phần thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, được cộng đồng quốc tế rất quan tâm.
Các nước coi trọng và lắng nghe ý kiến của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề phức tạp ở khu vực và toàn cầu. Dư luận báo chí và giới học giả quốc tế có nhiều bình luận tích cực về đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, đặc biệt đã có nhận định cho rằng Việt Nam là tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín và "trọng trách kép" (Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Chủ tịch ASEAN) trong năm 2020.
Tại cuộc họp tổng kết công tác tham gia Hội đồng Bảo an của Việt Nam trong năm 2020 và thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, tháng 12/2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ; đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu và phương châm đề ra, đóng góp chủ động, tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an.
Thành công trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2021 là cơ sở vững chắc để Việt Nam tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ trong nửa sau nhiệm kỳ, đặc biệt là lần thứ hai đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng Tư tới./.