Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc

Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc tại Việt Nam năm 2017.
Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc ảnh 1Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm với đối tác Trung Quốc tại một hội chợ. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc tại Việt Nam năm 2017.

Hội nghị do Chi nhánh phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 6/12.

Ông Võ Tân Thành - Giám đốc VCCI-HCM cho biết quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc năm 2016 đã đạt 72 tỷ USD. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, thương mại song phương đã đạt 82 tỷ USD, dự kiến trao đổi thương mại cả năm 2017 sẽ đạt 100 tỷ USD, hoàn thành mục tiêu mà hai nước đặt ra cho năm 2020.

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu phần lớn nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng...

Về du lịch, năm 2016, Việt Nam thu hút 2,7 triệu du khách Trung Quốc (chiếm 27% tổng số du khách nước ngoài đến Việt Nam). Riêng 11 tháng đầu năm 2017, số lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam đã đạt 3,6 triệu, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc hiện có hơn 1.700 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 12 tỷ USD. Đây là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 trong tổng số 126 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam; trong đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là đầu tư bất động sản, dịch vụ nhà hàng...

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam và được kỳ vọng sớm trở thành một trong 5 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Huyền Ngọc - Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam-Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Việt Nam đang là điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc nhờ nhiều lợi thế so sánh. Cụ thể, Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài, có tình hình chính trị ổn định và hội nhập khá nhanh vào nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa lý rất chiến lược, thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa khi có thể tiếp cận tới 50% thị trường thế giới trong vòng 9 giờ bay.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được được cải thiện rõ rệt với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, nhiều ưu đãi về thuế quan. Một lợi thế khác là Việt Nam hiện có lực lượng lao động khá dồi dào, giá nhân công, chi phí sản xuất tương đối thấp so với các quốc gia khác trong khu vực.

Riêng với nhà đầu tư Trung Quốc, do sự tương đồng về văn hóa và vị trí tự nhiên gần nhau sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại - bà Ngọc phân tích.

Ông Cảnh Vỹ - Chủ tịch Hội Xúc tiến phát triển đối ngoại doanh nghiệp thành phố Thiên Tân cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc đang nổ lực nâng cao năng lực hợp tác quốc tế nhằm mở rộng quy mô kinh doanh và phát triển thương mại.

[Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc ký hợp đồng thu mua dưa hấu 2018]

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ quan tâm tới việc đầu tư vào các ngành chế biến gỗ, sản xuất nội thất, xe đạp... tại Việt Nam; đồng thời, mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong việc vận chuyển, nhập khẩu các loại nông sản, trái cây nhiệt đới qua đường chính ngạch nhằm giảm thiểu chi phí và duy trì chất lượng tốt hơn, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hai bên.

Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, ông Trương Điện Sinh - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Hằng Sinh cho biết, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam khá hấp dẫn. Đó là lý do ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại đây.

Việt Nam có nhiều nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp chế biến-chế tạo, tập trung ở những khu công nghiệp lớn. Ví dụ về ngành chế biến gỗ, nội thất có thể đầu tư vào các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước - nơi có nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động dồi dào.

Riêng lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, trái cây có thể đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trồng thanh long ở Bình Thuận, chuối, xoài cát ở Động Nam Bộ, Tây Nam Bộ..., doanh nghiệp này nhận xét.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam khá phát triển, đây sẽ là cầu nối và là nguồn hỗ trợ đắc lực cho các nhà đầu tư, doanh nhân Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, tăng cường trao đổi thương mại vì sự thịnh vượng của cả hai quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục