Việt Nam và Lào chia sẻ kinh nghiệm các vấn đề về dân tộc

Việt Nam và Lào nhất trí tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác toàn diện, tiếp tục giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các cơ quan làm công tác dân tộc của hai nước, khẳng định đây là việc làm vô cùng thiết thực.
Việt Nam và Lào chia sẻ kinh nghiệm các vấn đề về dân tộc ảnh 1Quang cảnh cuộc hội đàm. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chiều 16/5 tại Nhà Quốc hội Lào, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm đã hội đàm với Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các dân tộc Quốc hội Lào Khamchanh So Ta Pa Seuth.

Hai bên đánh giá cao việc Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban các Dân tộc của Quốc hội Lào vừa ký Thỏa thuận hợp tác, qua đó thể hiện quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa hai nước nói chung và giữa các cơ quan phụ trách công tác dân tộc của hai nước nói riêng.

Đây là điều hết sức có ý nghĩa bởi Lào và Việt Nam đều là những nước đa dân tộc.

[Việt Nam-Lào chia sẻ kinh nghiệm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội]

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã giới thiệu, trao đổi về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc Quốc hội Việt Nam và Ủy ban các Dân tộc của Quốc hội Lào.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong thực hiện nhiệm vụ giúp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác lập pháp liên quan đến vấn đề dân tộc như thẩm tra, tham gia thẩm tra dự án luật, pháp lệnh.

Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực dân tộc; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham gia ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; kiến nghị các vấn đề về chính sách dân tộc của nhà nước.

Hai bên chuẩn bị các nội dung liên quan trình các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thẩm tra, tham gia ý kiến các dự án luật, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các văn bản do các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ gửi đến lấy ý kiến và các nhiệm vụ quan trọng khác.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác toàn diện hơn nữa, tiếp tục giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các cơ quan làm công tác dân tộc của hai nước, khẳng định đây là việc làm vô cùng thiết thực nhằm thúc đẩy, xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa các cơ quan phụ trách công tác dân tộc của hai nước ngày một phát triển.

Trên cơ sở bản thỏa thuận đã ký, hai bên mong muốn sẽ tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, khảo sát, trao đổi đoàn nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong việc góp phần bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục