Việt Nam-Algeria : Hợp tác chưa tương xứng tiềm năng giữa hai nước

Phóng viên TTXVN tại Algeria đã thực hiên bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Algeria Phạm Quốc Trụ, nhân dịp Kỷ niệm 55 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Algeria.
Việt Nam-Algeria : Hợp tác chưa tương xứng tiềm năng giữa hai nước ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Algeria Phạm Quốc Trụ. (Nguồn: TTXVN)

Nhân dịp Kỷ niệm 55 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Algeria (28/10/1962–28/10/2017), phóng viên TTXVN tại Algeria đã thực hiên bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Algeria Phạm Quốc Trụ. Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn:

- Xin Đại sứ cho biết về ý nghĩa của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Algeria?

Đại sứ Phạm Quốc Trụ: Thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào 1962, tuy nhiên, Việt Nam và Algeria đã có mối quan hệ từ lâu, đặc biệt là trong quá trình cùng đấu tranh chống lại Chủ nghĩa thực dân Pháp để giành và bảo vệ độc lập dân tộc của mỗi nước. Trong thời kỳ này, nhân dân hai nước đã không ngừng đứng lên đấu tranh cũng như tích cực ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau chống lại ách đô hộ thực dân Pháp.

Vào cuối thế kỷ 19, Thực dân Pháp đã đưa Hàm Nghi, vị Vua Việt Nam yêu nước chống Pháp, sang đày ở Algeria. Tại đây, ông được người dân Algeria yêu mến và kính trọng vì lòng yêu nước và tinh thần chống Pháp. Ngay từ rất sớm, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản và một số tổ chức yêu nước của Algeria. Năm 1946, Bác Hồ đã bí mật đến thăm Algerie, gặp gỡ những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Đảng Phong trào Dân tộc Dân chủ Algeria để trao đổi kinh nghiệm đấu tranh chống thực dân, giành độc lập dân tộc.


[Algeria đánh giá cao thành công của Việt Nam trong xây dựng đất nước]

Có thể nói, nhân dân Algeria đã biết đến Việt Nam như một biểu tượng cho khát vọng và thành công của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã là một động lực tiếp sức cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Algeria. Cũng trong quá trình chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, nhiều người lính Algerie đã đứng về phía ta cùng chiến đấu.

Từ đó, rất nhiều mối giao kết tình cảm và hôn nhân đã nảy nở giữa người Việt và người Algeria để hình thành nên một cộng đồng người có dòng máu Việt hiện nay ở Algeria. Đây cũng là một cầu nối gắn kết thêm hai dân tộc Việt Nam và Algeria.

 Việt Nam cũng đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Algeria. Năm 1958, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Algeria do Tổng thống Ben Bella thành lập, Việt Nam đã ngay lập tức công nhận và ủng hộ mạnh mẽ.

Tháng 10/1962, sau khi Algeria giành được độc lập, Việt Nam và Algeria đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và tháng 11 năm đó, chúng ta mở Đại sứ quán tại Algeria. Đây là cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên của Việt Nam được lập tại châu Phi. Từ đó đến nay, mối quan hệ này không ngừng được củng cố và phát triển. Hai nước đã tiếp tục dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ cả về chính trị, tinh thần và vật chất trong công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc của mỗi nước. Những năm qua, hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực cũng đã có những bước phát triển tốt đẹp.

Có thể thấy quan hệ giữa Việt Nam và Algeria là một mối quan hệ hữu nghị truyền thống dựa trên sự đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau. Mối quan hệ này đã hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển của mỗi nước. Đây là tài sản quý báu hai nước cần gìn giữ, vun đắp và phát triển lên một tầm cao mới, đưa hai nước trở thành đối tác toàn diện của nhau trong tương lai.

- Xin Đại sứ cho biết những dấu ấn quan trọng trong quan hệ hai nước 55 năm qua?


Đại sứ Phạm Quốc Trụ:
Trong 55 năm qua là giai đoạn phát triển tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Algeria với nhiều dấu ấn quan trọng, trong đó có 4 điểm quan trọng đáng ghi nhớ sau:

Dấu ấn đầu tiên là sự thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào ngày 28/10/1962. Sự kiện này mở ra thời kỳ mới của quan hệ hai nước với tư cách là hai Nhà nước độc lập.

Dấu ấn quan trọng thứ hai là ngày 11/6/1969, Algeria tuyên bố nâng quan hệ với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên cấp Đại sứ, đài thọ toàn bộ chi phí cho Đại sứ quán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Algeria. Điều này thể hiện sự ủng hộ và giúp đỡ hết sức quý báu, chân tình của Nhà nước và nhân dân Algeria dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước của ta.

Dấu ấn quan trọng thứ ba là trong gần 5 thập kỷ qua kể từ những năm 1970, hai nước đã trao đổi hàng loạt đoàn cấp cao, củng cố quan hệ hữu nghị và tăng cường hợp tác trên nhiều mặt, kể cả trên mặt trận quốc tế, đặc biệt là tại Liên hiệp quốc và Phong trào Không liên kết.

Về phía Việt Nam phải kể đến các chuyến thăm Algeria của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (1989), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2010), các Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1974), Phan Văn Khải (2004), Nguyễn Tấn Dũng (2015), Phó Chủ tịch nước Huỳnh Tấn Phát (1981), đoàn Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1976, 1979, 1980, 1985)…

Về phía Algeria là các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Boumédienne (năm 1974), Zeroual (năm 1996), Abdelaziz Bouteflika (năm 2000), các Chủ tịch Hạ viện Saadani (năm 1974), Ziari (năm 2010) và Ould Khelifa (năm 2015)…

Dấu ấn quan trọng thứ tư là sự hợp tác giữa hai nước trên một số lĩnh vực đã có sự phát triển tích cực, tạo thêm nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, lâu dài của quan hệ đối tác.

Sự hợp tác tích cực đáng ghi nhận thể hiện trong lĩnh vực hợp tác về chuyên gia, cụ thể trong những năm 1980-1990, Việt Nam đã gửi hàng nghìn chuyên gia sang hỗ trợ Algeria; hợp tác về thương mại với kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong những năm gần đây phát triển tốt và Algeria trở thành một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại châu Phi; và hợp tác về đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu khí như đầu tư vào liên doanh khai thác mỏ dầu Bir Seba ở Algeria, dự án đã đi vào hoạt động thương mại từ tháng 10/2015 với công suất 20.000 thùng/ngày và sắp tới sẽ nâng lên 40.000 thùng/ngày sau khi hoàn thành giai đoạn 2. Đây là một trong số ít các dự án đầu tư khai thác dầu khí của Việt Nam ở nước ngoài đạt kết quả tốt.

- Xin Đại sứ cho biết triển vọng quan hệ đặc biệt Việt Nam-Algeria?

Đại sứ Phạm Quốc Trụ: Quan hệ Việt Nam-Algeria đã có những bước phát triển tốt đẹp trong những năm qua, tuy nhiên mức độ hợp tác hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai nước. Năm nay, Việt Nam và Algeria kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đây là thời điểm chín muồi để hai nước nhìn nhận, đánh giá lại toàn diện mối quan hệ, từ đó đề ra phương hướng, bước đi và các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt, nâng mối quan hệ đó lên một tầm cao mới như đã được hai bên nêu ra trong chuyến thăm Algeria của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2015. Kỳ hợp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ hai nước dự kiến sẽ được tổ chức tại Alger vào 27-29/11/2017 cần tập trung thảo luận làm sao thực hiện được mục tiêu nói trên.

Hiện nay, Algeria đang tiến hành điều chỉnh nền kinh tế theo hướng mở cửa hơn cho đầu tư nước ngoài. Với xu hướng này, hai nước có thể tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch... Văn hóa, thể thao cũng là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng thúc đẩy. Sự phát triển mạnh mẽ của Vovinam (Việt Võ Đạo) tại Algerie là một động lực đồng thời cũng là cầu nối để tăng cường giao lưu văn hóa và thể thao giữa hai nước. Bên cạnh đó, sự đa dạng và giàu có của nền văn hóa hai nước là một điều kiện tốt để thúc đẩy trao đổi các đoàn giao lưu về văn hóa.

Ngoài ra, hợp tác địa phương cũng là một phương diện để hướng tới. Hai bên đang trao đổi về khả năng kết nghĩa giữa một thành phố của Việt Nam và một thành phố của Algeria.

Xin cảm ơn Đại sứ Phạm Quốc Trụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục