Việt Nam-Ba Lan thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghệ thông tin

TP.HCM sẽ tiếp tục đóng vai trò như một trong những cầu nối vững chắc, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với Ba Lan
Việt Nam-Ba Lan thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghệ thông tin ảnh 1Doanh nghiệp Ba Lan tham quan khu trưng bày sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh sau hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ngày 7/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Văn phòng Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo công nghệ thông tin và viễn thông Ba Lan-Việt Nam nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại còn nhiều tiềm năng giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu; trong đó Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ba Lan ở châu Á.

Trong 2 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 và năm 2022 đều đạt mức kỷ lục trên 2,5 tỷ USD.

Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt trên 841 triệu USD; trong đó, xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 236,34 triệu USD và là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường này.

[Việt Nam-Ba Lan còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác song phương]

Ở cấp độ địa phương, hợp tác về thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh-Ba Lan trong năm 2022 phát triển mạnh mẽ với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 270 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Về đầu tư, Ba Lan hiện có 10 dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư hơn 469.044 USD, đứng thứ 64/117 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố.

Ngoài hợp tác thương mại, đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh và Ba Lan còn tổ chức các sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, du lịch, củng cố mối quan hệ hữu nghị của người dân hai bên.

Theo ông Nguyễn Tuấn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đóng vai trò như một trong những cầu nối vững chắc, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với Ba Lan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Ba Lan đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

Chia sẻ tại các hội thảo, đại diện đoàn doanh nghiệp Ba Lan thông tin tại châu Âu, Ba Lan hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số với việc ứng dụng nhiều phần mềm tích hợp liên quan như công dân điện tử, sổ khám bệnh điện tử, quản lý tài chính, ngân hàng và tiền tệ…

Riêng đối với lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, Ba Lan vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Doanh nghiệp Ba Lan mong muốn thông qua chương trình, hai bên sẽ tìm kiếm được nhiều đối tác tiềm năng tương xứng, cơ hội hợp tác kinh doanh-xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Ba Lan và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, quan hệ đối tác hữu nghị giữa hai quốc gia nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục