Vừa qua, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Vietcombank vinh dự nhận giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2019” của tạp chí Finance Asia.
Giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất” của tạp chí Finance Asia vinh danh các ngân hàng tiêu biểu tại mỗi quốc gia. Ngân hàng được lựa chọn thông qua hồ sơ tranh giải gồm các yếu tố: Chiến lược kinh doanh hiệu quả, nổi bật; mô hình quản trị, hoạt động chuyên nghiệp với việc tập trung hướng đến phục vụ khách hàng theo tiêu chuẩn quốc tế và thích ứng tốt với các biến động của thị trường và nhu cầu khách hàng.
[Vốn hóa 10 tỷ USD, Vietcombank khẳng định vị thế trên trường quốc tế]
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải có tốc độ tăng trưởng, hiệu quả hoạt động cao và được duy trì liên tục qua nhiều năm; hoạt động với tốc độ, khả năng sinh lời cao nhưng vẫn bảo đảm các chỉ số an toàn và quản trị rủi ro hiệu quả; các sản phẩm và dịch vụ chuyên biệt với chất lượng cao; phát triển mạng lưới, liên kết kinh doanh rộng khắp, nhanh chóng và tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Đây là lần thứ 5 liên tiếp Vietcombank vinh dự nhận giải thưởng này.
Finance Asia đánh giá Vietcombank đã có nhiều nỗ lực trong phát triển phương thức kinh doanh cân bằng dựa trên việc xây dựng doanh thu bán lẻ và giảm phụ thuộc vào tín dụng doanh nghiệp. Theo đó, thị phần bán lẻ trong tổng doanh thu của ngân hàng này đã tăng từ 30% lên 46%.
Theo số liệu từ báo cáo của S&P Global Market Intelligence, trong năm tài chính 2018, hầu hết các chỉ số kinh doanh của Vietcombank đều được cải thiện như chỉ số ROAA tăng từ 1,06% lên 1,45%, ROAE tăng từ 17,61% lên 25,01%; tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,14% xuống còn 0,98% so với tổng dư nợ.
Finance Asia là một trong những tạp chí uy tín hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Ấn phẩm tập trung vào các chủ đề như đầu tư, hợp tác chiến lược, tài chính, thị trường vốn với đối tượng độc giả chủ yếu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và Giám đốc tài chính của các công ty/tập đoàn cùng các chuyên gia tài chính, nhà đầu tư và lãnh đạo các cơ quan chính phủ tại các quốc gia phát triển cũng như thị trường tài chính châu Á./.