"Vinastas chưa phát ra danh sách các loại nước mắm vượt ngưỡng asen"

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) khẳng định Hội chưa phát ra danh sách các thương hiệu nước mắm chứa hàm lượng asen vượt ngưỡng.
"Vinastas chưa phát ra danh sách các loại nước mắm vượt ngưỡng asen" ảnh 1Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Vinastas báo cáo kết quả khảo sát. (Nguồn: Vinastas)

Bà Chu Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết trước thông tin báo chí phản ánh có các loại nước mắm chứa các chất phụ gia, Cục Quản lý thị trường đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về kiểm tra chất lượng, nhãn mác... xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong thời gian tới, khi có đủ cơ sở căn cứ, Cục Quản lý thị trường sẽ công bố các cơ sở sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về việc Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam mới đây công bố mẫu 125/150 mẫu khảo sát nước mắm không đạt chuẩn, trao đổi với TTXVN, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) khẳng định Hội chỉ làm đúng trách nhiệm xã hội là thông tin cho người tiêu dùng biết thực trạng của ngành nước mắm, bởi trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước.

Cũng theo ông Vương Ngọc Tuấn, lâu nay, người tiêu dùng vẫn lầm tưởng việc nước mắm độ đạm càng cao thì độ an toàn càng lớn nhưng không biết rằng mình đang bỏ tiền để mua lượng đạm ảo.

Đoàn khảo sát đã lấy 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/l đến 60g/l của 88 nhãn hiệu nước mắm được mua trực tiếp tại đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản.

Kết quả cho thấy danh sách gồm 88 thương hiệu nước mắm đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện nay danh sách được một số phương tiện thông tin đại chúng công bố không phải do Hội phát ra. Danh sách chính thức sẽ phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền công bố.

Do còn nhiều khó khăn nên Hội chưa thể thực hiện khảo sát trên diện rộng hơn. Dù vậy, kết quả này cũng là minh chứng để cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở tiếp tục triển khai kiểm tra trên toàn quốc.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết theo thống kê, Việt Nam có 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm, sản xuất 200 triệu lít nước mắm/năm. Các cơ quan quản lý thực sự gặp khó trong quản lý nước mắm khi tiêu chuẩn nước mắm cuối cùng có từ năm 2003, tức là cách đây 13 năm.

Kết quả khảo sát sơ bộ trên không như mong đợi, song Hội cũng đã chuyển giao cho cơ quan sản xuất, yêu cầu phải ghi đúng độ đạm.

Hội mong các doanh nghiệp chú ý phải tuân thủ đúng quy chuẩn, làm thế nào phải ghi nhãn như thế.

Riêng với cơ quan quản lý, đại diện Hội đề nghị phải rà soát lại quy chuẩn 2003, quy định rõ để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục