Vinatex: Lợi nhuận trước thuế giảm do nhiều nước phá giá tiền tệ

Việc một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia phá giá tiền tệ... đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Vinatex trong năm 2015, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ tương đương năm 2014.
Vinatex: Lợi nhuận trước thuế giảm do nhiều nước phá giá tiền tệ ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Việc một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia phá giá tiền tệ... ​​đã ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong năm 2015.

Báo cáo tại buổi gặp mặt báo chí thông báo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và kế hoạch 2016 do Vinatex tổ chức chiều 21/12, ông Trần Việt, Trưởng ban Pháp chế-Tổng hợp Vinatex cho biết, kim ngạch xuất khẩu chung của toàn Tập đoàn ước tính trong năm 2015 đạt hơn 3,4 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2014) nhưng lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.350 tỷ đồng, chỉ tương đương năm 2014.

Đáng chú ý, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các thị trường lớn đều giữ được mức tăng trưởng khá, như Mỹ tăng 12,95%; ​EU tăng 5,96%; Nhật Bản tăng 7,95% và Hàn Quốc tăng 8,77% so với năm 2014.

Điều này có sự đóng góp của các doanh nghiệp lớn thuộc Vinatex như Tổng Công ty cổ phần Phong Phú; Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ; Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến; Tổng Công ty May 10; Tổng Công ty Đức Giang...

Vinatex: Lợi nhuận trước thuế giảm do nhiều nước phá giá tiền tệ ảnh 2Đại diện Vinatex đang chủ trì buổi họp báo về sản xuất kinh doanh năm 2015 (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cũng trong năm 2015, Việt Nam đã ký và kết thúc đàm phán một loạt các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Việt Nam-EU, Việt Nam-Hàn Quốc... tất cả đều có có tác động rất lớn đối với ngành dệt may Việt Nam.

Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư rất lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài ​sẽ tăng cường liên doanh và đầu tư vào Việt Nam.

Để đón đầu các cơ hội từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong năm 2015, tập đoàn đã hoàn thành một loạt các dự án sợi với qui mô lớn như: Dự án Nhà máy Sợi Phú Hưng giai đoạn 2, quy mô 2,16 vạn cọc, sản lượng 4.770 tấn/năm.

Ngoài ra, nhà máy sợi Phú Cường, nhà máy sợi Nam Định cũng hoàn thành với quy mô 2-3 vạn cọc sợi, sản lượng 4.770-5.200 tấn/năm. Dự án Khu liên hiệp dệt may Quế Sơn, quy mô gồm nhà máy sợi 3 vạn cọc...

"Dự báo cả năm 2015, xuất khẩu dệt may có thể đem về khoảng 28 tỷ USD, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước. Việt Nam luôn nằm trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may, qua đó cũng tạo cơ hội để tăng thêm nguồn thu và nâng cao ​nguồn dự trữ ngoại tệ cho đất nước," ông Hoàng Vệ Dũng nói.

Theo đánh giá, năm 2016 các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tiếp tục có những tín hiệu khả quan.

Từ những phân tích trên, lãnh đạo Vinatex cho biết, ​dự báo doanh thu toàn tập đoàn năm 2016 sẽ tăng 8% so với cùng kỳ 2015 và lợi nhuận trước thuế ​có thể tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục