Chiều 13/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp tác với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam tổ chức lễ “Vinh danh 21 tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020.”
Nhà báo Võ Mạnh Hùng, Báo Điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam là 1 trong số 21 tổ chức, cá nhân được vinh danh tại sự kiện "10 năm mới có 1 này."
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Lễ vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020, nhằm tôn vinh những đóng góp, sáng kiến trong công tác bảo tồn của các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, trong bối cảnh chung của thế giới, các loài hoang dã tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng, việc bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ các loài hoang dã nói riêng, hơn bao giờ hết, cần có sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội.
Chương trình vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020 để ghi nhận những sáng kiến, giải pháp bảo tồn trong thời gian qua và khích lệ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học thời gian tới.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tin tưởng rằng, không chỉ các cá nhân, tổ chức đã gửi hồ sơ về tham dự chương trình vinh danh, mà còn rất nhiều cá nhân, tổ chức cũng đang thầm lặng cống hiến cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và loài hoang dã.
Các tổ chức, cá nhân sẽ tiếp tục có đóng góp to lớn cho công tác này và mong rằng ngày càng có nhiều sáng kiến, giải pháp bảo tồn được kiến tạo, áp dụng nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Tự hào được vinh danh cùng các giáo sư, Phó Giáo sư-Tiến sỹ, chuyên gia, người đứng đầu các tổ chức bảo tồn, trường đại học, nhà báo Võ Mạnh Hùng, Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ, đây không chỉ là niềm vinh dự, mà quan trọng hơn hết còn là sự động viên, khích lệ để bản thân cố gắng, biết trân quý và dẻo dai hơn trên những đoạn đường phía trước...
10 năm qua, một chặng đường gian khó song cũng đầy ắp kỷ niệm, niềm vui với nghề. Đó không chỉ là những chuyến đi cơ sở, trực tiếp thâm nhập vào các “điểm nóng” để triển khai các loạt bài viết vạch trần tội ác; mong muốn tìm lại sự sống cho thế giới hoang dã thân yêu; nhà báo Mạnh Hùng còn đưa ra một số sáng kiến và đồng hành cùng các cán bộ Đội Đặc nhiệm của Cục Kiểm lâm, lực lượng chức năng tổ chức các cuộc truy quét bí mật, giải cứu thành công hàng nghìn cá thể chim trời, loài hoang dã trên khắp hai miền Nam-Bắc.
Trong quá trình dấn thân, nhà báo trẻ có những lúc “kiêm nhiệm" thêm hai vai - lúc là ông chủ một nhà hàng từ Thủ đô đi tìm mối làm ăn ngồi vân vê nghe “con buôn” chia sẻ cặn kẽ đường nghề, lúc lại là cán bộ kiểm lâm để chặn đường tẩu tán tang vật của các đối tượng tàng trữ, nuôi nhốt, buôn bán, sát hại động vật hoang dã trái phép.
Nhờ những chuyến công tác đặc biệt đó, một lượng lớn động vật hoang dã từ chim trời, rùa, rắn, kỳ đà, khỉ, rái cá... đã được giải cứu, được trở về với tự nhiên.
"Đôi lúc, ngồi phòng điều hòa dúi chân vào gầm bàn nghĩ lại những chuyến đi đã qua cũng thấy liều, nhưng sau tất cả vẫn thấy 'đáng lắm' vì việc làm nhỏ đã ít nhiều mang lại ý nghĩa lớn," anh chia sẻ.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam được biết đến là một quốc gia giàu đa dạng sinh học, đặc biệt là tính đa dạng về loài sinh vật.
Đại diện cho 8 tổ chức được vinh danh, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, lần đầu tiên có chương trình tôn vinh dành riêng cho công tác bảo tồn các loài hoang dã.
Đây là dịp để cả xã hội nghĩ về những cống hiến của các nhà khoa học, các nhà bảo tồn với sự biết ơn sâu sắc để bảo vệ, duy trì một thế giới ổn định, đảm bảo sự đa dạng của các loài sinh vật mà ở đó con người sống hài hòa cùng thiên nhiên.
Là một cơ quan nghiên cứu hàng đầu về đa dạng sinh học ở Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật không chỉ đánh giá hiện trạng và giám sát tài nguyên sinh vật mà còn đề xuất các giải pháp bảo vệ các hệ sinh thái, bảo tồn các loài hoang dã.
Trong 10 năm qua, các nhà khoa học của Viện đã phát hiện hơn 600 loài mới cho khoa học trên địa bàn cả nước. Các kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng trong quy hoạch bảo tồn và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên sinh vật của Việt Nam.
Với sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Viện đã triển khai hàng loạt chương trình bảo tồn loài, đào tạo nhân lực, giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng và giới thiệu về tiềm năng đa dạng sinh học cao của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cũng rất nỗ lực tư vấn khoa học cho các cơ quan quản lý trong thực thi các công ước quốc tế, xây dựng các luật, nghị định và chính sách liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, đại diện cho các cá nhân được vinh danh cho rằng, trong xã hội, mọi người nghĩ môi trường, bảo tồn động vật hoang dã là những vấn đề rất lớn nên dễ mất đi động lực để hành động.
Nhưng hãy xuất phát từ bản thân, mỗi người một việc nhỏ sẽ tạo nên sự thay đổi lớn cho bảo tồn động vật hoang dã. Vinh dự này không phải chỉ dành riêng cho 13 cá nhân mà cho những người đang ngày đêm thực hiện các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã.
Giải thưởng này sẽ góp một phần truyền cảm hứng đến mọi người ở Việt Nam, mỗi người góp một chút để tạo nên sự thay đổi lớn cho đất nước, tạo môi trường đáng sống hơn, rừng được an toàn, các loài hoang dã được bảo vệ.
Theo thống kê, hiện đã có khoảng 51.400 loài được phát hiện ở Việt Nam. Việt Nam đã công bố trên 1.000 loài mới cho khoa học. Riêng giai đoạn 2010-2020, các nhà khoa học đã phát hiện và mô tả hơn 600 loài thực vật và động vật mới cho khoa học với các mẫu chuẩn thu ở Việt Nam.
Những dẫn liệu về các giống, loài mới được bổ sung trong những thập kỷ gần đây cho thấy thành phần khu hệ động, thực vật Việt Nam còn chưa được biết hết, cần tiếp tục có những nghiên cứu phát hiện.
Công tác nghiên cứu, phát hiện loài mới là bước khởi đầu thì công tác bảo tồn, trong đó, bảo tồn tại chỗ là hoạt động thường xuyên, lâu dài và giải pháp nhân nuôi, tái thả có thể mở ra cơ hội phục hồi các loài hoang dã nguy cấp.
Đằng sau những kết quả, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, là sự đóng góp âm thầm của các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn và người dân. Đóng góp của các tổ chức, cá nhân đã tạo nên những điểm sáng của công tác bảo tồn loài hoang dã trong thập niên 2010-2020.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tặng Bằng khen 5 tập thể và 7 cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020./.