Vĩnh Phúc chú trọng phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đến nay, Vĩnh Phúc không còn xã đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tại xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt 37,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,7%.
Vĩnh Phúc chú trọng phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Dạy học cho trẻ em người dân tộc thiểu số xã Đạo Trù, Tam Đảo (Vĩnh Phúc). (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tăng cường triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu, các ngành chức năng và địa phương tiếp tục chủ trì, tham mưu thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, các mô hình và các nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện chương trình.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chưa bố trí nguồn lực thực hiện chương trình năm 2023 (từ nguồn ngân sách cấp huyện) cần khẩn trương rà soát, lập kế hoạch dự toán đầu tư các nhiệm vụ báo cáo, trình hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt để bổ sung kinh phí thực hiện.

Các đơn vị, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực cho chương trình, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực và chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn, các cấp trực thuộc để thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ của kế hoạch năm 2023 và cả giai đoạn 2022-2025; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình theo tiến độ thời gian công việc; tham mưu, đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh để đảm bảo hoàn thành các nội dung theo kế hoạch.

[Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia]

Các cơ quan, địa phương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong triển khai thực hiện các nội dung của chương trình.

Vĩnh Phúc hiện có gần 40 dân tộc sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn; 37/40 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ sở hạ tầng tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ. Thu nhập bình quân đầu người tại xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt 37,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,7%.

Giai đoạn 2014-2019, tỉnh đã đầu tư 10,8 tỷ đồng thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135 (Quyết định số 135/QĐ-TTg, ngày 31/7/1998 của Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa) gồm: hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng.

Từ năm 2006-2017, tỉnh đã đầu tư trên 85 tỷ đồng xây dựng 59 công trình đường giao thông nông thôn, 12 công trình thủy lợi, 17 công trình trường học, bảy công trình nhà văn hóa, hai trạm y tế, một công trình chợ, một công trình cải tạo tại ủy ban nhân dân xã...

Vĩnh Phúc đã tập trung bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế-xã hội bền vững; đồng thời, nâng cấp và bảo vệ các công trình chứa nước, đầu tư chỉnh trang hệ thống công trình tôn giáo khu vực đồi núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống để thu hút du lịch, dịch vụ...

Hàng chục hồ nước lớn nhỏ, các hồ nước thuộc các vùng đồi núi thuộc huyện Tam Đảo, Bình Xuyên... được đầu tư gia cố kè đập, nâng cao năng lực chứa nước, tạo cảnh quan môi trường thoáng mát cho cộng đồng cư dân nơi đây. Công tác bảo vệ, phát triển rừng đang có chuyển biến tích cực, nạn phá rừng được đẩy lùi.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục