Vĩnh Phúc hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất

Vĩnh Phúc tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động.
Vĩnh Phúc hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất ảnh 1 Vườn thanh long ruột đỏ của một hộ gia đình ở thôn Đồng Núi, xã Vân Trục (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động.

Nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất.

Các cây trồng có giá trị kinh tế cao như bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, dưa các loại được mở rộng.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất rau, củ, quả với quy mô lớn, chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh được hình thành.

[Vĩnh Phúc: Phấn đấu tăng trưởng nông, lâm nghiệp 1,5-2% mỗi năm]

Các mô hình sản xuất rau, quả theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đang phát triển mạnh. Chăn nuôi lợn, bò và gia cầm trở thành thế mạnh của tỉnh Vĩnh Phúc.

Vào những ngày này, người nông dân ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc bận rộn thu hoạch thanh long ruột đỏ để bán cho thương lái.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Ngọc Mỹ là một trong những hộ đi đầu trong việc tìm ra hướng đi mới cho mình và trở thành một trong những hộ trồng thanh long ruột đỏ sạch, chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Anh Nguyễn Văn Hoàng cho biết để có được những quả thanh long đạt tiêu chuẩn, anh đã đầu tư hệ thống xử lý nước tưới, hệ thống tưới ngầm, đảm bảo diệt khuẩn từ khâu nước tưới và sử dụng phân hữu cơ để bón cây và đảm bảo nhiều quy trình chăm sóc cây theo tiêu chuẩn đúng VietGap.

Do được sản xuất theo quy trình hoàn toàn sạch nên quả thanh long trong vườn nhà anh luôn đảm được hương vị đậm đà và màu sắc đẹp.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ của gia đình anh Hoàng đã được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGap và sau nhiều lần được các công ty nước ngoài khảo sát và đưa mẫu đi xét nghiệm và được chọn xuất khẩu sang Malaysia, Australia, Đài Loan (Trung Quốc).

Vĩnh Phúc hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất ảnh 2Mô hình trồng thanh long đỏ VietGap tại huyện Lập Thạch. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Hiện nay, gia đình anh Hoàng có hơn 4ha trồng thanh long ruột đỏ, thời gian thu hoạch quả thanh long ruột đỏ kéo dài từ tháng 5-11. Mỗi vụ gia đình anh Hoàng thu được 65-70 tấn quả, nhờ sản xuất theo quy trình VietGap, giá bán thanh long của gia đình anh Hoàng cao hơn so với các hộ khác, giá từ 30.000-50.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, anh thu lãi được 600-700 triệu đồng/vụ.

Trên địa bàn huyện Lập Thạch hiện có hơn 100ha thanh long ruột đỏ đang cho thu hoạch, với sản lượng từ 150-200 tấn/năm; trong đó có trên 70ha thanh long ruột đỏ được sản xuất theo quy trình VietGap đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt đầu xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn từ năm 2017, đến nay, hợp tác xã đã triển khai sản xuất trên 10ha.

Xác định áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng năng suất và giá trị sản phẩm, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống cho nông dân.

Phát triển theo mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, hợp tác xã đã ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử vào sản xuất. Khi sử dụng phần mềm, tất cả thành viên hợp tác xã có thể tra cứu trên điện thoại tất cả quy trình sản xuất, tiêu thụ thay vì phải ghi chép như trước đây.

Các công đoạn sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, có nhật ký ghi chép, đảm bảo từ khâu làm đất, lựa chọn giống, sử dụng phân sinh học, nguồn nước sạch, sơ chế đến bảo quản, đóng gói bao bì, dán tem truy suất nguồn gốc sản phẩm theo quy trình khép kín. Nhờ đó, không những việc quản lý vật tư đầu vào, quy trình giám sát sản xuất mà năng suất cũng như chất lượng sản phẩm của hợp tác xã được nâng lên rõ rệt.

Bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh cho biết, nhờ hiệu quả của phần mềm này mà sản lượng rau của hợp tác xã hàng tháng đều tăng từ 5-10% so với trước đây. Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã đang cung ứng cho hệ thống siêu thị, các trường học, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng trên 1 tấn các loại rau, củ, quả theo thời vụ đảm bảo an toàn. Mỗi sản phẩm rau của hợp tác xã đều sử dụng 1 tem QR Code để nhận diện truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và khuyến khích người nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025.

Tỉnh tập trung hỗ trợ đầu tư chăn nuôi lợn, hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất rau, củ, quả, hoa an toàn các loại theo quy trình VietGap; hỗ trợ trồng cây dược liệu.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là đối với cây trồng, vật nuôi có lợi thế, hướng tới sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân, từng bước giúp người nông dân hình thành các mối liên kết trong cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục