Virus chết người MERS chưa tạo tình trạng khẩn cấp toàn cầu

MERS tăng nhanh tại Saudi Arabia, song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/5 cho biết virus gây chết người này chưa tạo ra tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Virus chết người MERS chưa tạo tình trạng khẩn cấp toàn cầu ảnh 1Đeo khẩu trang phòng virus MERS tại phòng cấp cứu một bệnh viện ở Riyadh ngày 27/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Số ca nhiễm virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) đang tăng nhanh tại Saudi Arabia, song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/5 cho biết virus gây chết người này chưa tạo ra tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với y tế cộng đồng.

Theo thông báo của Ủy ban khẩn cấp WHO, đưa ra sau cuộc họp 5 giờ tại Geneva (Thụy Sĩ), dựa vào thông tin hiện nay, mức nghiêm trọng xét ở góc độ tác động đối với sức khỏe cộng đồng là đáng lo ngại, song hiện chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy MERS liên tiếp truyền từ người sang người. Vì vậy, WHO kết luận rằng chưa thể báo động Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần được sự quan tâm của quốc tế (PHEIC) đối với MERS.

Theo quy định, tình trạng báo động khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được đưa ra khi xuất hiện một sự kiện đặc biệt gây ra nguy cơ cho nhiều nước thành viên khác của WHO (thông qua lây nhiễm trên phạm vi quốc tế), đòi hỏi phải có phản ứng phối hợp nhanh của cộng đồng quốc tế. WHO nhấn mạnh điều cần thiết đối với các nước có virus MERS là cùng hành động khẩn cấp để ngăn chặn và kiểm soát số người nhiễm bệnh cũng như giảm nguy cơ virus lây lan trong cộng đồng.

WHO khẳng định: "Đây là yếu tố cấp thiết nhất đối với những nước đang có MERS hoạt động mạnh."

Phát biểu trước báo giới trong cuộc họp trực tuyến, Phó Tổng Giám đốc WHO Keiji Fukuda cho biết WHO sẽ tiến hành các cuộc điều tra khoa học quy mô, trong đó gồm cả các nghiên cứu trên động vật, trong môi trường, huyết thanh... để hiểu rõ hơn về những yếu tố đứng đằng sau virus MERS gây tử vong cao này.

MERS xuất hiện lần đầu tại Saudi Arabia hồi tháng 9/2012 và theo thống kê của Bộ Y tế nước này, tính đến nay đã có trên 500 người bị lây nhiễm. Ngoài Saudi Arabia, MERS cũng xuất hiện tại hơn 12 quốc gia khác, chủ yếu ở khu vực Trung Đông.

MERS là loại virus gây ra những triệu chứng gần giống virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng lây lan khắp châu Á năm 2003 khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và 9% trong số đó tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, dù ít lây lan hơn SARS nhưng MERS lại nguy hiểm hơn vì chưa có vắc-xin hay phác đồ điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong lên tới gần 30%. Một số nhà khoa học cho rằng căn bệnh này có nguồn gốc từ lạc đà, loài vật nuôi khá phổ biến ở Saudi Arabia và các quốc gia vùng Trung Đông nói chung.

Những người nhiễm MERS thường có biểu hiện sốt cao, khó thở, viêm phổi và tử vong nếu không được điều trị kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục