"Với người nghiện ma túy đá, thế giới cũng chưa có phác đồ điều trị"

Chỉ riêng trong đầu tháng 11 đã xảy ra ba vụ học viên cai nghiện ma túy phá trung tâm trốn ra ngoài gây mất trật tự an xinh xã hội, chưa bao giờ công tác cai nghiện ma túy lại “nóng” như lúc này.
"Với người nghiện ma túy đá, thế giới cũng chưa có phác đồ điều trị" ảnh 1Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chỉ riêng trong đầu tháng 11 đã xảy ra ba vụ học viên cai nghiện phá trung tâm cai nghiện trốn ra ngoài gây mất trật tự an xinh xã hội ở Đồng Nai, Vũng Tàu.

Trong hai năm gần đây, công tác cai nghiện còn nhiều khó khăn vì đang trong giai đoạn chuyển từ hạn chế cai nghiện bắt buộc sang khuyến khích cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại cộng đồng… Do mất thời gian một năm để hoàn thiện các quy định, ngay khi bắt đầu đưa các đối tượng vào cai nghiện bắt buộc, số lượng đối tượng quá lớn, khiến các trung tâm cai nghiện quá tải.

Trong khi đó, tình hình nghiện ma túy diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều người nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp khiến công tác cai nghiện khó khăn chồng chất.

Phóng viên VietnamPlus đã có buổi trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm về những bất cập trong công tác cai nghiện ma túy hiện nay.

- Thưa ông, gần đây đã xảy ra liên tục các vụ việc học viên đập phá, trốn ra khỏi các trung tâm cai nghiện, thậm chí chỉ trong vòng một tuần ở Đồng Nai đã diễn ra hai vụ việc liên tiếp, xin ông cho biết nguyên nhân của những vụ việc này?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Đồng Nai được đánh giá là địa phương trọng điểm về số người sử dụng ma túy, có cả người của địa phương và các tỉnh lân cận. Một trong những lý do chính của việc học viên đập phá trung tâm cai nghiện là do trung tâm này có điều kiện cơ sở vật chất kém, xây dựng từ lâu. Nếu dùng sức người thì chỉ 2, 3 người đẩy là cửa bung ra ngay. Đây là nguyên nhân thôi thúc học viên hành động. Trung tâm cai nghiện của các tỉnh khác mới xây dựng rất chắc chắn, muốn đập phá cũng khó. Hai vụ việc liên tiếp xảy ra là do tình hình chưa ổn định, cơ sở vật chất chưa sửa sang xong, một số học viên thấy mình bị bắt cưỡng chế đưa vào trung tâm nhưng một số khác vẫn ở ngoài nên tiếp tục phá phách.

Mặt khác, khi xảy ra vụ việc phá trung tâm trốn ra ngoài thì các cán bộ trung tâm cai nghiện chỉ thuyết phục chứ không có quyền hạn cưỡng chế, hành động cứng rắn mà phải gọi cho các cơ quan chức năng đến giải quyết.

Nguyên nhân của các vụ học viên trốn ra khỏi các trung tâm cai nghiện cũng là do quá tải. Chúng ta chưa đủ cơ sở vật chất nhưng khi phát hiện, thu gom học viên sử dụng ma túy ở ngoài cộng đồng vào quá đông nên tình hình càng bức xúc hơn. Chẳng hạn như ở Đồng Nai, trung tâm cai nghiện chỉ có khả năng đáp ứng 600-700 học viên nhưng con số hiện tại là hơn 1.400 học viên.

Mặc khác, hiện nay nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp tăng lên nhanh chóng, ở các tỉnh phía Nam các trung tâm thống kê được là 80-82% trong số học viên đưa vào là sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá. Loại ma túy này gây ảo giác, tổn thương về mặt tinh thần, lúc nào cũng bị hoang tưởng và dễ bị kích động cho nên mới xảy ra hiện tượng học viên leo lên cả cây cối, cột điện, mái nhà, la hét, kích động làm mất ổn định trật tự xã hội khu vực này, từ trước chỉ có hiện tượng học viên một số nơi phá phách thì chỉ bỏ trốn ra ngoài.

- Như ông đã nói, đối tượng nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp ngày càng tăng gây khó khăn trong công tác cai nghiện, tuy nhiên hiện nay phác độ điều trị Methandone không có tác dụng với những người nghiện ma túy đá, vậy chương trình cai nghiện tại các trung tâm cần có sự thay đổi gì để thu hút người đến cai nghiện, cắt cơn trong thời gian tới?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Hiện nay các đối tượng nghiện ma túy đá có nguy cơ gây hại, đe dọa đến an ninh trật tự xã hội do nghiện ma túy đá thường gây hoang tưởng, khi họ lên cơn nghiện, lên cơn chấn động về thần kinh họ phá phách, leo lên cột điện, mái nhà, bơi giữa đường phố… những lúc đấy họ không còn nhận thức được hành vi của mình. Thực tế những trung tâm cai nghiện xảy ra hiện tượng đập phá, trốn trại cũng là trung tâm có đa số đối tượng nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp.

Thách thức của chúng hiện nay là đối tượng sử dụng ma túy đá tăng, sử dụng heroin đang giảm. Trong khi đó, giải pháp cai nghiện trước đây như cắt cơn giải độc, trị liệu về tâm lý, hỗ trợ học nghề sớm hòa nhập cộng đồng… phần lớn dành cho người nghiện heroin là chính.

"Với người nghiện ma túy đá, thế giới cũng chưa có phác đồ điều trị" ảnh 2Các đối tượng nghiện ma túy bỏ trốn bị lực lượng chức năng Đồng Nai bắt giữ đưa trở lại cơ sở điều trị nghiện ma túy. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Đối với người nghiện ma túy đá, trên thế giới cũng chưa có phác đồ điều trị nào, hầu như họ chỉ mới dừng lại ở các liệu pháp tâm lý, thay đổi hành vi của nhóm có nguy cơ cao tránh sử dụng ma túy đá. Ở các nước khác, với người sử dụng ma túy đá chưa có thuốc cai nghiện, họ được mời đến các trung tâm nhận các dịch vụ tư vấn. Đây là khó khăn cho chúng ta hiện nay là làm thế nào tăng đào tạo cán bộ làm tốt công tác tư vấn.

Một trong những giải pháp hiện nay là phải làm cho anh em học viên yên tâm điều trị, Chúng ta phải giải thích cho các học viên là khi vào đây họ được giúp đỡ, chứ không phải vào bị quản thúc, giam hãm. Nếu họ không hợp tác sẽ chỉ chờ cán bộ trung tâm sơ hở họ sẽ phá phách đi ra. Vì vậy, các trung tâm phải nâng cao được năng lực khi tiếp nhận để tham vấn, tư vấn, làm việc với từng trường hợp, hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của học viên.

- Nhiều ý kiến cho rằng cai nghiện bắt buộc đang dần không có hiệu quả, thực tế các quy định cũng đang dần hạn chế việc đưa vào cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm, xin ông cho biết biết thêm về hiệu quả của các mô hình cai nghiện hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Công tác cai nghiện ma túy bắt buộc thời gian qua cho thấy đây không phải là giải pháp tối ưu, thực tiễn cho thấy sau cai nghiện trở về cộng đồng, hầu hết người nghiện ma túy đều tái nghiện. Vì vậy chúng ta đã phải đổi mới phương thức theo cai nghiện điều trị nghiện cho họ ở cộng đồng, bằng các giải pháp y tế, xã hội, điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Thực tế cai nghiện tại cộng đồng bằng điệu trị Methadone tuy vẫn còn nhiều cái chưa được mong muốn nhưng so với phương thức cũ nó hiệu quả hơn. Theo thống kê những người nghiện dùng Methadone ở cộng đồng sau hai năm không tái nghiện, đây là hướng cai nghiện mới mà chúng ta quan tâm.

Tuy nhiên, hiện nay làm ở cộng đồng có những khó khăn bất cập nhất định nên số người mà tham gia chưa được nhiều như chúng ta mong muốn. Mặc dù mục tiêu đề ra là đến 2015 có 80.000 người nghiện ma túy sử dụng Methadone thay thế nhưng đến nay chỉ 50.000 người, không đạt chỉ tiêu Chính phủ giao. Nguyên nhân là do đội ngũ y, bác sỹ thực hiện phát đồ điều trị này hiện nay thiếu, cơ sở vật chất cũng chưa đủ đáp ứng, thời gian điều trị trước đây dựa vào nước ngoài viện trợ thuốc nhưng nguồn viện trợ đã bị cắt, nhưng hiện nay dựa vào kinh phí trong nước nên càng khó khăn.

- Trong các vụ việc đập phá trung tâm cai nghiện vừa qua có nguyên nhân là do học viên không muốn cai nghiện bắt buộc, vậy xin ông cho biết việc lựa chọn các đối tượng đưa vào cai nghiện bắt buộc được thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương rà soát đưa đối tượng vào trung tâm phải làm cho nghiên túc hơn, đúng theo pháp luật. Việc xác định ai có nơi cư trú ổn định, ai không có nơi cư trú ổn định phải rất rõ ràng, người sử dụng ma túy chỉ khai lệch đi một chút là chúng ta xếp vào diện không có nơi cư trú ổn định và như vậy chúng ta không đưa họ về với địa phương để chấp hành xử lý vi phạm hành chính mà giữ trên trung tâm thì số học viên quá đông.

Chúng ta phải phân loại những người nghiện ma túy vì đối tượng sử dụng ma túy nhiều thành phần khác nhau, có người nhiều tiền án tiền sự nhưng cũng có trường hợp đua đòi theo chúng bạn sử dụng ma túy. Nếu chúng ta cứ bắt được người sử dụng ma túy mà không phân loại cứ đưa vào cai nghiện bắt buộc sẽ ảnh hưởng vấn đề tái hòa nhập, tước đi nhiều cơ hội của họ.

Quan trọng là phải làm tốt công tác phân loại, tổ chức tốt dịch vụ hỗ trợ, trong đó cán bộ trung tâm phải thân thiện, phải hiểu các học viên. Hiện nay, tôi thấy hầu hết các trung tâm cán bộ chỉ lo phục vụ, bộ phận bảo vệ lo làm sao cho họ không ra được ngoài, bộ phận y tế thì đến giờ lo phát mấy viên thuốc mà không có người trao đổi, tư vấn với họ một cách thường xuyên tích cực, nên người cai nghiện thấy không muốn hợp tác. Vì vậy, nếu có đối tượng kích động những học viên rất dễ bị xúi dục.

Theo quy định hiện nay, thời gian cai nghiện tối đa là 24 tháng, tuy nhiên tùy vào từng đối tượng mà cơ quan thẩm định hồ sơ ban đầu trình lên tòa án là phòng lao động-thương binh và xã hội sẽ đánh giá từng trường hợp là 6 tháng, một năm, 18 tháng hoặc 24 tháng. Đến nay, đã có khoảng 14.000 người được đưa vào cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục