Vốn hỗ trợ nông dân: Vẫn là giấc mơ người nghèo

Mặc dù quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị phục vụ cho khu vực nông thôn đã triển khai gần 5 tháng nay, nhưng ở nhiều địa phương do quá nhiều vướng mắc nên hiệu quả hạn chế khiến người nông dân thì không “mặn mà” với nguồn vốn này.

Chưa kể, trong danh mục hàng hóa được hỗ trợ lãi suất theo quyết định 497, có nhiều loại máy móc được hỗ trợ lãi suất nhưng nhìn vào thực tế của địa phương thì lại không phù hợp và đây là kẽ hở để hàng ngoại “lấn sân”.

Mặc dù quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị phục vụ cho khu vực nông thôn đã triển khai gần 5 tháng nay, nhưng ở nhiều địa phương do quá nhiều vướng mắc nên hiệu quả hạn chế khiến người nông dân thì không “mặn mà” với nguồn vốn này.
Nhiều vốn... kèm nhiều “vướng”
Nhiều năm nay, gia đình anh Nguyễn Minh Hiền quê ở xã Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An luôn mong ước có một chiếc máy gặt đập liên hợp để cấy lúa. Ruộng đồng thì mênh mông nhưng vào vụ gặt, cả xã chỉ có vài chiếc máy nên dù chạy hết công suất thì cũng không hết việc. Nghề nông quá phụ thuộc vào thời tiết, chỉ cần một trận mưa bão hoặc hạn hán là bao công sức sẽ tiêu tan và những chiếc máy gặt đập liên hợp luôn là niềm mơ ước của những người nông dân như anh Hiền. Tuy nhiên, với giá gần 200 triệu đồng thì “nghề nông” như anh chắc cả đời không dám mơ. Được tin nhà nước hỗ trợ nông dân lãi suất mua sắm máy móc thiết bị, anh Hiền mừng lắm, nhưng khổ nỗi đã vất vả đi lại cả chục lần mà vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn này. “Thủ tục giấy tờ phức tạp quá, ngân hàng đòi sổ đỏ và các giấy tờ có giá trị cũng như phương án kinh doanh mới được vay. Những cái đó người nông dân như chúng tôi biết lấy đâu ra”, anh Thành than thở. Cũng như anh Hiền, anh Cao Hải người cùng xã Diễn Yên cũng đã năm lần bảy lượt lên xã rồi ra Ngân hàng để “chờ” hoàn thiện thủ tục, nhưng rồi anh cũng đành phải về tay không với lý do “ngân hàng còn xem xét và trả lời sau”. Khó vay ngân hàng, anh Nguyễn Minh Hiền đành chấp nhận đi vay ngoài với “lãi suất cao” để mua máy về gặt,  nhưng lòng "nặng trĩu" vì để trả được cả gốc và lãi thì không biết đến bao giờ, trong khi đồng ruộng vẫn là nguồn “mưu sinh” của những hộ nông dân có ý chí thoát nghèo như anh. Trong danh mục hàng hóa được hỗ trợ lãi suất theo quyết định 497, nhiều bà con nông dân cũng không khỏi băn khoăn bởi nhiều loại máy móc được hỗ trợ lãi suất nhưng nhìn vào thực tế của địa phương thì lại không phù hợp và đây là kẽ hở để hàng ngoại “lấn sân”. Ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, việc trồng mía phải cần những máy có lưỡi cày thật dài để làm đất, những máy sản xuất trong nước theo danh mục hiện tại lưỡi cày ngắn quá không làm được... “Nhà nước cần xem xét bổ sung và hoàn thiện danh mục thiết bị sản xuất trong nước để người nông dân không phải tìm đến hàng ngoại”, ông Phái nói. Qua sơ kết 4 tháng thực hiện việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn mua sắm thiết bị, theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, thì tới ngày 27/8 mới giải ngân được 818,72 tỷ đồng, một con số khiêm tốn so với nhu cầu của từng địa phương. “Thủ tục vay vốn phức tạp quá ngân hàng đòi hỏi hóa đơn giấy tờ nông dân biết lấy đâu ra, trong khi nhiều máy móc sản xuất trong nước đưa về lại chưa phù hợp với tình hình địa phương là nguyên nhân chính khiến giải ngân chậm” ông Lê Khắc Lập, Phó ban Kinh tế, Hội Nông dân Việt Nam nhận định.
Làm gấp để nông dân "kịp" hưởng lợi
Bốn tháng cũng là thời gian đủ dài để các bộ ngành và cơ quan liên quan xem xét những khó khăn, vướng mắc nảy sinh để tháo gỡ kịp thời, giúp Quyết định hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua sắm trang thiết bị thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, nhu cầu mỗi địa phương là khác nhau, vốn vay kích cầu cần gắn với thực tiễn của từng địa phương và việc bổ sung thêm danh mục thiết bị, máy móc  phù hợp với thực tế là hết sức cần thiết Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết: Danh mục hàng hóa hiện chưa bao quát hết với thực tế của nhiều địa phương, thời hạn 31/12 là kết thúc việc thực hiện quyết định này nên cần phải làm gấp để nông dân được hưởng lợi. Đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương, Bùi Xuân Khu, đơn vị chủ trì việc triển khai Quyết định 497 cũng cho thấy: Thông qua việc hỗ trợ lãi suất này, không chỉ người nông dân phát triển được sản xuất mà doanh nghiệp trong nước còn được hưởng lợi qua việc bán máy móc thiết bị. Trong khi vốn ngân hàng còn nhiều nhưng thủ tục lại rườm rà, nhiều địa phương biết và tiếp cận nguồn vốn này chưa lâu cũng như nhiều máy móc cần được xem xét bổ sung nên cần phải có thêm thời gian để phát huy hiệu quả của gói kích cầu này. “Ý kiến của các bộ, ngành đều nhất trí kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: bổ sung thêm danh mục một số thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn bỏ sót và xin Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian giải ngân thêm 6 tháng” Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết./.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục