Ngày 17/8, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm địa phương với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo thuộc Phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam), Chi cục Đăng kiểm Long An, Hải Hưng, Chi cục số 6, số 9 với phần đối đáp, tranh luận lại của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo cáo trạng, các bị cáo là đăng kiểm viên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong quá trình đánh giá thực tế tại hiện trường, soát xét hồ sơ.
Mặc dù hồ sơ của cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện để được cấp thông báo năng lực, nhưng các bị cáo đã cố ý làm trái quy định, vẫn hoàn tất quy trình, xác nhận đạt.
Các bị cáo này đã đề xuất cấp thông báo cho các cơ sở không đủ năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật. Hành vi này đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa và uy tín của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho rằng các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, tội danh nhưng đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét các bị cáo là đăng kiểm viên có vai trò phạm tội mờ nhạt, không ép buộc ai, không đóng vai trò chủ động, nhiều tình tiết giảm nhẹ...
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo là đăng kiểm viên rất rõ ràng.
Trong quá trình thẩm định, các bị cáo đã bỏ qua nhiều lỗi của phương tiện đăng kiểm như: Hạ chiều cao boong nhưng chiều dài tàu không thay đổi; không lập bảng tính mạn khô nhưng lại có bảng tính mạn khô và thước nước; thiếu trạng thái tải trọng tiêu chuẩn... Sau đó, các bị cáo đề xuất lãnh đạo ký cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế, nhận tiền hưởng lợi.
Đối với nhóm bị cáo là lãnh đạo Phòng Tàu sông và các chi cục đăng kiểm, Viện Kiểm sát nhận định, khi soát xét hồ sơ, kiểm tra thực tế đã không thực hiện đúng theo quy định, cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế không đủ điều kiện. Các bị cáo tại tòa đều thừa nhận hành vi phạm tội, nhận thức công việc yếu kém. Viện Kiểm sát một lần nữa khẳng định cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội.
Cuối phần tranh luận, sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và qua diễn biến tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi mức đề nghị án đối với 42 bị cáo.
Bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam) trước đó bị đề nghị 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ” được đại diện Viện Kiểm sát xem xét và đề nghị mức án giảm còn 18 -19 năm tù.
Bị cáo Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng phòng Đăng kiểm xe cơ giới) từ 17 - 18 năm tù về tội “Nhận hối lộ” giảm còn từ 16 -17 năm tù.
Có 40 bị cáo khác cũng được Viện Kiểm sát đề nghị giảm từ 1-3 năm tù với mỗi bị cáo.Đặc biệt, có 10 bị cáo được đề nghị xem xét thay đổi mức án từ tù giam sang án treo gồm Phạm Anh Tuấn từ 3-4 năm tù giảm còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Huỳnh Văn Châu, Hồ Hoàng Ra, Nguyễn Hữu Thạch từ 2-3 năm tù giảm còn 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Cao Văn Long, Bùi Quang Minh từ 3-4 năm tù giảm còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Huy Quang, Vũ Đức Đại từ 2-3 năm tù giam thành 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Đưa hối lộ.”
Bị cáo Nguyễn Văn Cang từ 3-4 năm tù giam giảm thành 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Môi giới hối lộ.” Bị cáo Lê Văn Cường từ 3-4 năm tù giam thành 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.”
Xét xử từ ngày 18/7 đến nay, phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm địa phương đã chuẩn bị kết thúc.
Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố 254 bị cáo về 11 tội danh gồm: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Giả mạo trong công tác,” “Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật,” “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức," "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác,” “Tham ô tài sản,” “Lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Quá trình xét xử, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Các bị cáo là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo phòng, trung tâm, chi cục đăng kiểm được xác định tội danh đã thống nhất chỉ đạo đăng kiểm viên cấp dưới, nhân viên ở các trung tâm, chi cục... nhận tiền hối lộ từ chủ xe, chủ tàu để bỏ qua lỗi, bỏ qua điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường... trong đăng kiểm, thẩm định hồ sơ thiết kế.Trong ngày 17/8, các bị cáo sẽ nói lời sau cùng trước khi Hội đồng Xét xử nghị án./.
Vụ án Cục Đăng kiểm: Các bị cáo thuộc khối tư nhân thừa nhận hành vi sai phạm
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, đa số các bị cáo tại các trung tâm đăng kiểm khối tư nhân đều thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi sai phạm cũng như số tiền chịu trách nhiệm hình sự.