Vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long ít bị tác động do hạn, mặn

Nhờ chủ động điều chỉnh lịch thời vụ sớm hơn cũng như áp dụng các giải pháp kỹ thuật, chọn tạo giống lúa ngắn ngày, hạn mặn không ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Nông dân xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Nông dân xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tình hình xâm nhập mặn và khô hạn là hai trong số những nội dung quan trọng được đề cập tại buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày 18/2, tại thành phố Cần Thơ.

Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ chủ trì buổi làm việc.

Liên quan đến vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021, trình bày tại buổi làm việc, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản vượt qua được hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.

Cụ thể, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, dựa vào dự báo xâm nhập mặn, khô hạn của các cơ quan chuyên môn và tiến độ thu hoạch lúa hiện nay, có thể nói vụ lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã vượt qua được vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn 2021.

Hạn, mặn sẽ không ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là diện tích lúa ở các địa phương ven biển của vùng.

Đây là kết quả của việc chủ động điều chỉnh lịch thời vụ sớm hơn cùng với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, chọn tạo giống lúa ngắn ngày ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 30.000 ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020.

Đến thời điểm hiện tại, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 350.000ha và theo dự kiến sẽ đạt 550.000ha vào cuối tháng Hai. Các diện tích còn lại sẽ được thu hoạch vào tháng Ba, tháng Tư năm nay và một số ít ở tháng Năm.

Đáng chú ý, trong số các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long làm vụ Đông Xuân 2020-2021, chỉ có một ít diện tích tích được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn như khoảng 10.700ha tại tỉnh Trà Vinh sẽ có nguy cơ bị thiệt hại vào giai đoạn cuối vụ.

Về năng suất, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, vụ này ước đạt trên 6,9 tấn/ha, tăng gần 0,1 tấn/ha so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng sẽ đạt khoảng 10,5 triệu tấn, giảm khoảng 60.000 tấn so với vụ mùa năm trước.

Theo Cục Trồng trọt, giá lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang dao động từ 6.800 -7.000 đồng/kg với lúa chất lượng cao, từ 7.000-7.500 đồng/kg với lúa thơm.

Theo ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đỉnh mặn cao nhất của năm 2021 sẽ rơi vào khoảng thời gian từ 25/2 đến 4/3 và dự báo mặn năm nay tương đương năm 2016, thấp hơn năm 2020.

Lãnh đạo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng cho biết, đã đưa ra một số vùng có rủi ro trong sản xuất lúa như Long An có 1.500ha, Trà Vinh 15.000ha, Bạc Liêu 25.000ha.

Trong khi vùng rủi ro về trái cây rơi vào các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Nếu không chủ động dự trữ nguồn nước sẽ tác động tới năng suất, gây chết vùng cây ăn trái.

Theo khảo sát các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Cục Trồng trọt, đến nay chưa ghi nhận thiệt hại do hạn mặn đối với cây ăn trái. Tuy nhiên, nếu tình hình hạn mặn tiếp tục diện ra kéo dài đến tháng 3/2021, diện tích vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng khoảng dự kiến là 40.000ha, tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long.

[Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trong năm 2021]

Cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra các khuyến cáo cần làm ngay để hạn chế ảnh hưởng do hạn, mặn như như tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt bằng cách xây dựng các hồ chứa phân tán giống cách Bến Tre đã làm trong đợt hạn, mặn năm 2020.

Đối với vùng giữa của đồng bằng, cần nâng cấp hệ thống thủy lợi, chủ động nguồn nước cho từng vùng ngọt, lợ và tăng cường khả năng cấp nước ngọt, trữ nước tại chỗ đối với những vùng ven biển…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần có sự đổi mới, không làm nông nghiệp theo tư duy mùa vụ mà phải có chiến lược phát triển đồng bộ, bền vững.

Đặc biệt lưu ý, nền nông nghiệp Việt Nam đang ở thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo đó là nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số...

Chính những giá trị mới đó mới làm bật dậy cho sức sống của Đồng bằng sông Cửu Long, chứ chỉ dựa vào năng suất và sản lượng thì sự phát triển sẽ rất chậm.

Theo ông Lê Minh Hoan, các địa phương cần kịp thời quán triệt, hiện thực hóa các nội dung trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp, cụ thể là thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, kinh tế nông thôn, hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh; trong đó, cần chú ý vấn đề gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, xây dựng, tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị ngành hàng; đồng thời, cần chuyển từ tư duy sản xuất sản lượng sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo ra các giá trị mới.

Đối với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần tăng cường liên kết, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng tăng chất lượng, giá trị, giảm chi phí đầu vào.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục