Chiều 30/12, tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 6 bị cáo trong vụ án can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu.
Đại diện Viện Kiểm sát đã đối đáp với các luật sư về những quan điểm gỡ tội cho các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát cho biết trước phiên tòa, bị cáo Võ Việt Hùng (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Đông Kinh) đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả 400 triệu đồng, bị cáo Lê Duy Tuấn (nguyên Giám đốc kinh doanh của Công ty Đông Kinh) nộp 100 triệu đồng.
Trong thời gian diễn ra phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đã chủ động nộp khắc phục hậu quả 2,1 tỷ đồng; bị cáo Hùng nộp 2,1 tỷ đồng; bị cáo Tuấn nộp thêm 200 triệu đồng.
[Xét xử vụ giúp Công ty Nhật Cường trúng thầu: Luật sư tranh luận]
Như vậy, trong vụ án này, 3 bị cáo Tứ, Hùng và Tuấn đã nộp khắc phục hậu quả tổng cộng 3,8 tỷ đồng ngay tại tòa.
Kiểm sát viên Nguyễn Thanh Lâm (Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội) nhận định đây là tình tiết giảm nhẹ mới, đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho 3 bị cáo này.
Công tố viên cũng dùng chính nội dung này để phản bác lại quan điểm của các luật sư bào chữa trước đó, cho rằng "các bị cáo không có tội, không phải liên đới bồi thường, hoặc bồi thường ít hơn."
Kiểm sát viên phân tích: "Nếu các bị cáo cho rằng mình không có trách nhiệm khắc phục hậu quả thì còn tự nguyện nộp tiền làm gì. Hơn nữa, ngay buổi xét hỏi đầu tiên, các bị cáo đã thừa nhận hành vi vi phạm. Nhưng luật sư lại cho rằng thân chủ của mình không phạm tội, việc này trái với ý chí của các bị cáo. Các bị cáo xin Hội đồng xét xử cân nhắc mức án vừa nghiêm minh, vừa nhân văn. Như vậy, bản thân các bị cáo đã nhận thức và thừa nhận vi phạm của mình."
Trước đó, trong phần luận tội sáng 29/12, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty Đông Kinh nộp lại 6,6 tỷ đồng hưởng lợi bất chính.
Các bị cáo trong vụ án (trừ Nguyễn Đức Chung) phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại còn lại là khoảng 20 tỷ đồng. Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định việc tính số tiền thiệt hại là "có căn cứ và chính xác," đã được cơ quan điều tra phối hợp kế toán, tính đúng tính đủ chi phí hợp lệ, tính cả thuế.
Tại phiên tòa, đại diện Công ty Đông Kinh cũng khẳng định số tiền mà công ty nhận được từ Công ty Nhật Cường là đúng như cáo trạng xác định.
Về vật chứng là chiếc iPad của bị cáo Nguyễn Đức Chung được luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Chung) giao nộp cho Hội đồng xét xử và đề nghị trưng cầu giám định của Cơ quan điều tra về mốc thời gian, lịch sử cụ thể việc mở và dùng iPad, theo luật sư Tú, việc này là nhằm làm rõ trong khoảng thời gian trước khi đóng thầu thì có hay không việc bị cáo Chung dùng thiết bị để tiếp nhận email của Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) nhằm can thiệp dừng thầu trái quy định pháp luật.
Yêu cầu của luật sư được Hội đồng xét xử chấp thuận và làm thủ tục niêm phong chiếc iPad này ngay tại phiên tòa. Khi được hỏi, bị cáo Chung xác nhận đó là tài sản của mình, song chỉ sử dụng trong năm 2016 và hiện "không nhớ password."
Tại phiên xử sáng 30/12, Hội đồng xét xử đã truyền đạt phản hồi của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao với nội dung: Theo chính sách bảo mật của Google, đơn vị chức năng chỉ xem xét được lịch sử truy cập trong 28 ngày kể cả việc đăng nhập email, nên không thể xác minh được lịch sử đăng nhập email nói trên.
"Trường hợp có mật khẩu chiếc iPad thì cũng không có căn cứ để biết bị cáo Chung đã đọc email của Bùi Quang Huy hay chưa," thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa khẳng định./.