Vào thời điểm một năm trước, một đơn vị dự báo kinh tế của Chính phủ Trung Quốc đã công bố báo cáo về triển vọng kinh tế nước này trong năm 2020.
Đơn vị này cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là các tác động từ bên ngoài.
Bản báo cáo cho rằng hoạt động xuất khẩu sang Mỹ - khách hàng lớn nhất của Trung Quốc - sẽ chịu tác động tiêu cực nếu cuộc chiến thương mại kéo dài. Để đối phó với tình trạng này, Bắc Kinh đã chọn phương án gia tăng tối đa xuất khẩu sang các nước lớn khác.
Và điều bất ngờ đã đến. Trong khi xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm đến gần 15% trong năm nay, xuất khẩu của nước này sang phần còn lại của thế giới đã mạnh hơn rất nhiều. Điều này cho thấy Trung Quốc đã mở rộng quan hệ với các khách hàng lớn, trong đó xuất khẩu sang châu Âu đang trên đường vượt xuất khẩu sang Mỹ.
Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường nhỏ hơn ở Đông Nam Á, như Malaysia, cũng đang bùng nổ.
Theo dữ liệu của cơ quan nghiên cứu phân tích kinh tế CPB World Trade Monitor, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đạt 11,9%, nhỉnh hơn một chút so với hồi tháng 7/2018, khi Mỹ lần đầu tiên áp dụng thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc.
Trong khi đó, việc hoạt động nhập khẩu có phần diễn biến chậm chạp hơn, một phần do sự chậm lại của nhu cầu trong nước, cho thấy nhiều khả năng thặng dư thương mại sẽ tăng đến 25% trong năm 2019 so với hồi năm 2018.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc đồng nhân dân tệ yếu đi là một trong những nguyên nhân lý giải "sự kiên cường" trong xuất khẩu của Trung Quốc. Đồng nội tệ nước này đã giảm đến 6% so với đồng USD và cũng đang trong chiều hướng đi xuống với các đối tác thương mại lớn khác kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, qua đó giúp xoa dịu những tác động của thuế quan.
Nguyên nhân thứ hai là tính cạnh tranh cao của các công ty Trung Quốc. Từng là một xưởng lắp ráp của thế giới, Trung Quốc giờ đã có khả năng sản xuất thêm nhiều hàng hóa đầu vào để phục vụ quá trình sản xuất cuối cùng. Bên cạnh đó, những nỗ lực của nước này trong lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn cũng đã tạo được những tiếng vang nhất định.
[Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Những nguy cơ và cơ hội cho ASEAN]
Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất công nghệ trong phân khúc thấp hơn. Hội đồng công nghiệp nhẹ Trung Quốc, đại diện cho ngành công nghiệp đồ chơi, thực phẩm và các sản phẩm tương tự, ước tính rằng 100 thành viên tiên tiến nhất về công nghệ của Hội đồng này đã đầu tư khoảng 2,5% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đây là một mức cao so với tiêu chuẩn quốc tế và con số này thậm chí có thể tăng lên 3% trong thời gian tới.
Theo các số liệu thống kê, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11/2019 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, sau khi tăng 4,7% trong tháng 10/2019, và đây là mức tăng cao nhất trong 6 tháng qua.
Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 11/2019 tăng 8%, sau khi ghi nhận mức tăng 7,2% trong tháng 10/2019.
Người phát ngôn Fu Linghui của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, các dấu hiệu kinh tế chủ chốt “tốt hơn dự kiến," cho dù kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những rủi ro và thách thức gia tăng ở cả trong nước và bên ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được thỏa thuận một phần, hay còn gọi là thỏa thuận “Giai đoạn một," giúp tránh đánh thuế mới của Washington đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào ngày 15/12, con đường phía trước vẫn sẽ không dễ dàng cho các nhà xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nếu những chính sách thuế quan hiện hành của Mỹ càng kéo dài, người tiêu dùng Mỹ sẽ càng có nhiều khả năng đi tìm những lựa chọn thay thế, giữa bối cảnh tốc độ sụt giảm doanh số bán hàng của Trung Quốc sang Mỹ ngày một tăng./.