Vụ rơi máy bay MH17: Nghi can khẳng định không liên quan đến vụ việc

Luật sư của Oleg Pulatov - một trong bốn nghi can trong vụ rơi máy bay MH17, khẳng định thân chủ của mình đã không tham gia vụ việc, thậm chí còn không biết nguyên nhân khiến máy bay MH17 rơi.
Vụ rơi máy bay MH17: Nghi can khẳng định không liên quan đến vụ việc ảnh 1Quang cảnh tại phiên tòa xét xử ngày 28/9. (Nguồn: Reuters)

Tại phiên tòa ở La Haye (Hà Lan) ngày 28/9, luật sư đại diện cho Oleg Pulatov - một trong bốn nghi can trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine do trúng tên lửa, làm gần 300 người thiệt mạng, đã bác bỏ mọi dính líu của thân chủ của bà với vụ việc.

Bà Sabine ten Doesschate, luật sư của Putalov, khẳng định thân chủ của mình đã không tham gia vụ việc, thậm chí còn không biết nguyên nhân khiến máy bay MH17 rơi. Bên cạnh đó, Putalov cũng nghi ngờ cáo buộc của cơ quan công tố Ukraine về việc máy bay MH17 đã bị trúng tên lửa.

Putalov hiện sống tại Nga. Phiên tòa ngày 28/9 được tiến hành về mặt thủ tục và ngày dự kiến bắt đầu xét xử chính thức vẫn chưa được ấn định.

Máy bay mang số hiệu MH17 trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị rơi do trúng tên lửa trên bầu trời miền Đông Ukraine ngày 17/7/2014, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Hầu hết nạn nhân là công dân Hà Lan nhưng cũng có nhiều công dân Australia tử nạn.

[Hà Lan: Bắt đầu xét xử vụ tai nạn máy bay MH17 của Malaysia Airlines]

Nhà chức trách Ukraine và một số nước phương Tây cho rằng Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc này, song Moskva và lực lượng trên kiên quyết bác bỏ, khẳng định máy bay đã trúng một tên lửa bắn đi từ khu vực do quân đội Chính phủ Ukraine kiểm soát.

Tháng 6/2019, Nhóm điều tra hỗn hợp (JIT) về vụ rơi máy bay MH 17, do Hà Lan đứng đầu, thông báo kết luận điều tra, theo đó truy tố ba công dân Nga và một công dân Ukraine với cáo buộc bắn rơi máy bay MH17.

Nga đã bác bỏ kết luận này của JIT, trong khi Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Mahathir Mohamad cũng đặt nghi vấn về tính khách quan của cuộc điều tra, cho rằng vụ việc đã trở thành vấn đề chính trị nhằm làm mất uy tín Nga.

Hiện cả bốn nghi can liên quan đến vụ việc đều chưa bị bắt giữ. Ba đối tượng sẽ bị xét xử vắng mặt trong khi Putalov không được coi là xét xử vắng mặt do có luật sư đại diện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục