Vụ sập biệt thự cổ: Bài học kinh nghiệm từ công tác cứu hộ

Các công tác khoanh vùng, vận chuyển gạch vữa, cứu hộ, cứu nạn, đưa nạn nhân đi cấp cứu tại các bệnh viện... được các đơn vị chủ động phối hợp, khẩn trương thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình.
Vụ sập biệt thự cổ: Bài học kinh nghiệm từ công tác cứu hộ ảnh 1Cấp cứu một nạn nhân trong vụ sập nhà. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 23/9, Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội cho biết, mặc dù sự việc sập nhà ở 107 Trần Hưng Đạo xảy ra rất bất ngờ và đau thương nhưng với nỗ lực và kinh nghiệm tìm kiếm, cứu hộ và cứu nạn, các cán bộ chiến sỹ Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội cùng với lực lượng chức năng liên quan đã nhanh chóng tìm kiếm và giải cứu người dân khỏi hiện trường đổ nát.

Các công tác khoanh vùng, vận chuyển gạch vữa, cứu hộ, cứu nạn, đưa nạn nhân đi cấp cứu tại các bệnh viện... được các đơn vị chủ động phối hợp, khẩn trương thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Ngay khi nhận được tin báo, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội đã điều động hàng chục cán bộ, chiến sỹ tiếp cận hiện trường với bốn xe cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng. Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội huy động gần 500 cán bộ, chiến sỹ và 30 phương tiện các loại. Công an thành phố Hà Nội huy động khoảng 300 cảnh sát và nhiều xe chuyên dụng tiếp cận nhanh hiện trường để tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân.

Với trang thiết bị cần thiết và bố trí lực lượng hợp lý, chỉ trong 5 giờ đồng hồ, các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ và cứu nạn đã vận chuyển toàn bộ số gạch vữa, rác tổng hợp... ra ngoài để tìm kiếm những người còn mắc kẹt. Trong khi đó, ngành y tế Hà Nội cũng điều động ngay các bác sỹ, y tá và xe cứu thương chờ sẵn bên ngoài hiện trường, lập tức đưa những nạn nhân được tìm thấy đưa đi cấp cứu, giảm thiểu thương vong về người.

Chị Phạm Xuân Dung, người dân sống tại khu nhà 107 Trần Hưng Đạo chia sẻ ngay khi vụ sập kinh hoàng xảy ra, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng tập trung nhân lực và phương tiện để giải cứu người dân nên đã hạn chế được số người thương vong và hư hỏng tài sản.

Vụ sập biệt thự cổ: Bài học kinh nghiệm từ công tác cứu hộ ảnh 2Công tác cứu hộ tại hiện trường vụ sập nhà số 107 Trần Hưng Đạo (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi xảy ra vụ sập nhà ngày càng có đông người dân hiếu kỳ kéo đến theo dõi, để đảm bảo điều kiện cho các lực lượng chức năng nhanh chóng, kịp thời, tập trung người và phương tiện cứu nạn tại chỗ, các chiến sỹ Công an Hà Nội đã phải dùng các barie và dây phản quang để khoanh vùng, cấm những người không có nhiệm vụ vào khu vực hiện trường.

Mặt khác, tuyến đường Trần Hưng Đạo luôn có mật độ giao thông cao, cộng với hiện trường xảy ra vụ sập lại rất gần với Ga Hà Nội và các công sở, nên các chiến sỹ cảnh sát giao thông Hà Nội đã phải rất cố gắng để phân làn đường, đảm bảo thông suốt các chuyến xe cứu thương, cứu hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục