Vụ trâu chọi húc chết chủ: Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Đại diện Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) chỉ rõ, trong việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, cần xem xét lại trách nhiệm của ban tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước.
Vụ trâu chọi húc chết chủ: Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? ảnh 1Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2015. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Sự việc trâu chọi húc chết chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (ngày 1/7) vừa qua tiếp tục làm dấy lên cuộc tranh luận về việc duy trì hay loại bỏ lễ hội này. Trong trường hợp lễ hội này ​vẫn được duy trì, vấn đề đặt ra với ban tổ chức là gì?

Vấn đề đặt ra với việc tổ chức

Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, bản chất của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không xấu. Tuy nhiên, hiện nay, quy chế và cách thức tổ chức lễ hội này còn nhiều điểm bất cập. Đây là một trong những lý do dẫn đến tai nạn thương tâm vừa qua.

Bởi vậy, trong thời gian tới, nếu tiếp tục duy trì việc tổ chức lễ hội này thì cần rà soát lại, xây dựng phương án tổ  chức đảm bảo hai vấn đề: an ninh, an toàn trong lễ hội và thể hiện đúng, phát huy giá trị tinh thần cốt lõi của di sản.

[Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Bộ vào cuộc vụ trâu chọi húc trọng thương chủ]

Bà Trịnh Thị Thủy cho rằng, những hoạt động được tổ chức vì cộng đồng, cho cộng đồng thì buộc phải đảm bảo yếu tố lành mạnh, an toàn; trong trường hợp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn (đặc biệt là với tính mạng người tham gia) thì cần xem xét lại.

Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, bà Trịnh Thị Thủy cho hay, chọi trâu Đồ Sơn là một lễ hội có truyền thống lâu đời, có giá trị tinh thần, tín ngưỡng to lớn. Từ năm 1990, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được phục dựng lại và đến năm 2013 được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Trong hồ sơ di sản, lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn bao gồm cả phần ‘lễ’ và phần ‘hội,’ khẳng định rõ những giá trị văn hóa, tâm linh và việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của cộng đồng dân cư địa phương. Chọi trâu chỉ là một hoạt động ở phần hội, chứ không bao hàm toàn bộ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Giá trị tinh thần, tín ngưỡng chủ yếu thể hiện ở phần lễ với những nghi thức linh thiêng,” bà Thủy chỉ rõ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, phần hồn của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đang bị mờ nhạt. Khi nhắc đến lễ hội này, du khách chủ yếu chỉ biết tới hoạt động chọi trâu, thậm chí đồng nhất, coi hoạt động này là toàn bộ lễ hội.

Vụ trâu chọi húc chết chủ: Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? ảnh 2Năm 2013, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh minh họa: TTXVN)

[Từ vụ trâu chọi húc chết chủ: Ứng xử thế nào với lễ hội truyền thống]

“Tôi nhận thấy, các hoạt động quảng bá về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chủ yếu mới chỉ đề cập tới hoạt động chọi trâu. Trong khi đó, ý nghĩa của phần lễ, giá trị tâm linh, tín ngưỡng của lễ hội lại bị coi nhẹ, thậm chí truyền tải chưa đúng. Điều này dẫn tới việc công chúng chưa có những hiểu biết đầy đủ về lễ hội truyền thống này,” bà Trịnh Thị Thủy chỉ rõ.

Từ đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc tuyên truyền, giới thiệu toàn diện về giá trị, ý nghĩa của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một yêu cầu quan trọng đặt ra đối với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng nếu trong thời gian tới, lễ hội này tiếp tục được tổ chức.


Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?

Từ thực tế việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn những năm qua, bà Trịnh Thị Thủy cho rằng, lễ hội truyền thống đang bị biến tướng theo chiều hướng xấu, kích động bạo lực, thương mại hóa lễ hội với những biểu hiện như: phó mặc việc chủ trâu tự ý gọt sừng trâu cho sắc nhọn để gây nhanh chóng hạ gục đối thủ, xẻ thịt trâu chọi bán với giá cao…

“Không chỉ có vậy, quy mô và hình thức tổ chức cũng không đúng với truyền thống. Nhiều nhà khoa học và trong hồ sơ di sản cũng đã chỉ rõ, trước đây, việc chọi trâu được tổ chức ở các bãi cát gần biển với quy mô nhỏ; chứ không phải trong sân vận động lớn với lượng người tham gia đông đúc như bây giờ,” Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết.

Có cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hiện nay đã bị bóp méo, sai lệch với truyền thống tốt đẹp vốn có. “Hiện nay, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chủ yếu tập trung vào hoạt động chọi trâu với những tiếng hò reo, sự ganh đua và những màn thét giá thịt châu trọi. Trong khi đó, các sinh hoạt tâm linh, tái hiện sự tích - thành tố quan trọng của lễ hội truyền thống lại rất mờ nhạt,” giáo sư Trần Lâm Biền nói.

Từ đó, nhà nghiên cứu cho rằng, nếu đã tổ chức thì lễ hội phải thể hiện được đúng giá trị truyền thống với những nghi thức linh thiêng; còn nếu chỉ để kích thích sự hiếu kỳ, ganh đua chuyện thắng-thua ồn ào như hiện nay thì nên dẹp bỏ. “Sự ganh đua ấy đã khoác cho lễ hội ‘chiếc áo’ bạo lực, làm biến tướng, sai lệch truyền thống,” nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Vụ trâu chọi húc chết chủ: Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? ảnh 3Rước "ông trâu" vô địch lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2011 về nhà. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng chỉ ra rằng, trong việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, cần xem xét lại trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Dẫn chứng cụ thể cho vấn đề này, bà Ninh Thị Thu Hương nêu rõ, việc quy chế tổ chức lễ hội cho rằng chủ trâu chịu trách nhiệm về các vấn đề mất an toàn do trâu chọi gây ra là điều bất hợp lý. “Khi trách nhiệm dồn hết về phía chủ trâu như vậy thì vai trò, trách nhiệm của ban tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?” lãnh đạo Cục Văn hóa Cơ sở nói.

​Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy thì cho biết, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục rà soát và chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội theo hướng: giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội; không cấp phép tổ chức lễ hội tràn lan vì mục đích thương mại; chỉ đạo dừng tổ chức những lễ hội đã được cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, bạo lực, gây bức xúc trong dư luận…./.

Khoảng 11 giờ 30 ngày 1/7 (tức ngày 8/6 âm lịch), tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đã diễn ra vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.

Tại kháp đấu 14 đã xảy ra sự cố nghiêm trọng. Khi vừa vào sân, trâu số 18 bất ngờ đuổi, húc chủ trâu đối thủ, rồi sau đó lại bất ngờ quay lại húc chính chủ mình nhiều lần. Tối cùng ngày, nạn nhân đã qua đời.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ban tổ chức đã dừng các kháp đấu còn lại để bảo đảm an toàn cho du khách. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 có 32 trâu tham dự./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục