"Vua nhím" Mường Lò

"Vua nhím" giữa lòng chảo Mường Lò ở Yên Bái

Gắn bó với nghề nuôi nhím, anh Phương coi đó là "duyên phận", vì nghề nghiệp trước kia của anh lại là... lái xe tải đường dài.
Là người đi đầu trong phong trào nuôi nhím với số lượng lên đến trên 100 con, cho thu nhập mỗi năm gần một tỷ đồng, mô hình nuôi nhím của gia đình anh Phạm Vũ Phương ở tổ 13, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ được coi là thành công nhất trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Sau gần ba năm gắn bó với nghề nuôi nhím, anh Phương coi đó là "sự gắn kết bởi duyên phận". Anh được tiếp xúc với nghề nuôi nhím cũng bắt nguồn từ chính công việc lái xe tải đường dài trước kia của anh.

Được đi đây đó nhiều, lại được bạn giới thiệu nhiều mô hình chăn nuôi nhím ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, anh Phương đã đến tận nơi học hỏi và bắt tay gây dựng trang trại của gia đình.

Từ số vốn gia đình chắt chiu được, lúc đầu chưa có kinh nghiệm anh Phương đã nuôi thử 12 đôi nhím giống với số tiền trên 300 triệu đồng. Thấy loài nhím hợp với khí hậu, ít bị dịch bệnh, gia đình lại có nhân lực, nuôi nhím tuy đầu tư lớn nhưng thu lãi cũng lớn, anh quyết định bỏ nghề lái xe tải để xây dựng trang trại.

Đầu năm 2007, gia đình anh đã phát triển trang trại lên 40 đôi. Sẵn có vốn của gia đình và đất đai anh đã xây dựng chuồng trại gồm 3 khu dành cho nhím bố mẹ, nhím đang nuôi con và nhím con, trên diện tích gần 1ha; trong đó xây dựng 80 ô, mỗi ô đảm bảo 1,2m2 đủ rộng để nhím hoạt động.

Tuy nhiên, anh Phương tâm sự, khi gây dựng trang trại anh cũng chưa lường hết được khó khăn đó là nhím là loại vật nuôi mới, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ và tỉnh Yên Bái lúc đó chưa có mô hình nào chăn nuôi quy mô lớn nên bản thân gia đình anh và trong khu phố vẫn ít nhiều nghi ngờ về hiệu quả của việc nuôi nhím.

Thêm vào đó, lúc đầu mới nuôi do bỡ ngỡ, gần nửa năm nhím chưa sinh sản được nên có lúc gia đình anh đã nản lòng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và quá trình chăn nuôi anh Phương đã rút ra kinh nghiệm cho mình, từ đó đàn nhím của gia đình đã phát triển tốt, sinh sản đều đặn 2 lứa/năm.

Đến nay, với 100 cặp giống bố mẹ, mỗi năm trang trại nhím của gia đình anh đã có thêm gần 50 con nhím con vừa phục vụ cho tích lũy gây dựng, mở rộng trang trại của gia đình vừa phục vụ nhu cầu giống của nhân dân trong vùng, trong tỉnh.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, anh Phương cho biết chăn nuôi nhím không đòi hỏi quá cầu kỳ, thức ăn cho nhím gồm rau, củ quả và các loại hạt như ngô, đậu vốn rất rẻ và sẵn có, nhím lại ít bị bệnh nhưng quan trọng nhất là phải theo dõi thường xuyên quá trình sinh trưởng và từng chu kỳ sinh sản của nhím, ghi chép đầy đủ đồng thời phải tìm hiểu kỹ về đặc thù của loài nhím, của từng cặp, điều đặc biệt phải tránh là không để nhím phối giống cùng huyết thống.

Trước khi xuất bán giống, gia đình anh cũng đã trao đổi các cặp với nhau nên giống do trang trại của gia đình xuất bán luôn đảm bảo tỷ lệ sinh sản và tỷ lệ sống cao.

Đến nay, ngoài trang trại chính trên, gia đình anh Phương còn có 2 trại nhận nuôi rẽ của gia đình với 10 cặp nhím bố mẹ. Từ trang trại nhím mỗi năm gia đình anh Phương đã thu lãi gần một tỷ đồng và bắt đầu thu hồi vốn sau hơn 2 năm xây dựng trang trại. Nhưng anh Phương còn muốn mở rộng mô hình nhím sinh sản nênh ngoài việc xuất bán gia đình anh tích lũy vào đàn giống trong trang trại.

Mong muốn của anh Phương là được ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn mở rộng trang trại và tạo điều kiện về mặt bằng để di dời chuồng trại ra xa nhà. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ có nhu cầu xây dựng trang trại và chăn nuôi nhím.

Từ những thành công cùng sự nhiệt tình giúp đỡ bà con có nhu cầu theo nghề nuôi nhím, anh Phương được người dân nơi lòng chảo Mường Lò gọi với cái tên thân mật "Vua nhím"./.

Hoàng Ngọc - Minh Quang(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục