Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: Tạo chuỗi cung ứng-tiêu thụ

Các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang hướng đến việc liên kết giữa các địa phương để tận dụng ưu thế khác biệt, sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp hiệu quả.
Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: Tạo chuỗi cung ứng-tiêu thụ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sự liên kết giữa các địa phương có thể tận dụng ưu thế khác biệt để tổ chức canh tác, cung ứng sản phẩm nông nghiệp hiệu quả. Đây là điều mà các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang hướng đến và bước đầu đã có một số dự án hợp tác thành công; trong đó có sự tham gia của một số doanh nghiệp đầu tàu.

Tạo chuỗi cung ứng-tiêu thụ

Với hơn 10 triệu dân, Thành phố Hồ Chí Minh được các doanh nghiệp xác định là một thị trường đầy tiềm năng để đẩy mạnh lượng hàng hóa tiêu thụ, đặc biệt là lĩnh vực thực phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở phía Nam thường chọn các tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... để xây dựng nhà máy sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu. Đây là những địa phương có chính sách thu hút đầu tư khá tốt, dư địa đất đai còn rộng để sản xuất nông nghiệp và hơn cả là giao thông thuận lợi để vận chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Mới đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại xuất khẩu tổng hợp và dịch vụ Hùng Nhơn và Công ty trách nhiệm hữu hạn De Heus vừa ký kết đầu tư Dự án "Thung lũng thực phẩm an toàn" ở tỉnh Bình Phước và Đồng Nai với tổng vốn đầu tư lên đến 50 triệu USD. Hai bên cùng nhau xây dựng và phát triển một chuỗi chăn nuôi khép kín từ giai đoạn con giống cho đến thành phẩm, nhằm cung cấp thực phẩm sạch, an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc ra thị trường.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại xuất khẩu tổng hợp và dịch vụ Hùng Nhơn, việc liên kết với các đối tác thực hiện mô hình kinh doanh khép kín từ đầu vào tới đầu ra sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí tối đa và tạo được công ăn việc làm cho người lao động với thu nhập cao và ổn định. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và một phần hướng đến xuất khẩu.

[Tăng cường kết nối, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam]

Không chỉ các doanh nghiệp ở các tỉnh liên kết sản xuất để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường Thành phố Hồ Chí Minh mà các doanh nghiệp thành phố cũng liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu ở các tỉnh, thành trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Điển hình như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư 2 nhà máy sản xuất sữa hiện đại tại tỉnh Bình Dương với tổng vốn 4.600 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Huân đầu tư 390 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy thực phẩm Đức Hòa, Long An; Công ty trách nhiệm hữu hạn San Hà đầu tư 55 tỷ đồng xây dựng Nhà máy giết mổ gia cầm Đại Nam, tỉnh Long An...

Thống kê của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tính đến nay, các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hơn 80 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư ở 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam; trong đó, tập trung chủ yếu là các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổng số vốn đầu tư của các dự án này lên đến gần 29.200 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thực phẩm, hệ thống phân phối siêu thị, các trung tâm thương mại...

Để đảm bảo vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trong khu vực như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang... về cung ứng, tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật, rau củ, thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, các tỉnh đã quyết liệt thực hiện các nội dung hợp tác bước đầu đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, góp phần nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm nông sản.


Vẫn còn hạn chế trong liên kết

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đã có quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng thực tế các tỉnh hiện vẫn chưa xác định được trọng tâm lợi thế và các ngành hàng chủ lực của mình, chưa kiểm soát được chiến lược liên kết vùng phục vụ lợi ích cao nhất nội vùng và bỏ ngoài rào cản lợi ích kinh tế của từng địa phương.

Các tỉnh, thành trong khu vực này có thể mạnh hơn nhiều nếu phát triển sâu vào nông nghiệp, cây công nghiệp cao su, cây mía ngắn ngày, với chăn nuôi và sản xuất thực phẩm. Sự rời rạc trong liên kết đang khiến sức mạnh của từng địa phương và của cả vùng bị phân tán.

Lấy ví dụ từ ngành chăn nuôi, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) phân tích nhìn ở khía cạnh vùng, Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lớn nhất của vùng với khoảng 10.000 con lớn mỗi ngày, chiếm phần lớn sản lượng chăn nuôi được cung cấp từ các tỉnh lân cận trong khu vực.

Mặc dù lực tiêu thụ mạnh, tuy nhiên ở góc độ chăn nuôi và nhà cung cấp, thực tế vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Điều đó cũng dẫn đến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cung cấp, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, chồng chéo, khó tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong chính nội vùng, chưa nói để xuất khẩu ngoại vùng và sang các thị trường khác.

"Trong nhiều năm, tôi luôn đề nghị việc giết mổ lợn chăn nuôi cần dẹp bỏ các cách thức hộ gia đình tự phát manh mún, tập trung chỉ một vài lò công nghiệp ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Theo cách đó, việc liên kết các hộ nuôi, trang trại vào một đầu điểm kiểm soát sẽ tốt hơn, theo cách “đặt hàng” tiêu chuẩn nhất của thị trường tiêu thụ lớn nhất. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi trước, các tỉnh khác nội vùng sẽ làm theo, đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp và liên kết lại," ông Văn Đức Mười cho biết.

Dưới góc độ của một chuyên gia, ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sự liên kết giữa các vùng nguyên liệu ở các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hết sức cần thiết và có tác động tương hỗ lẫn nhau rất hiệu quả. Chỉ có sự liên kết hợp tác các nhà sản xuất trong nước mới có đủ khả năng cung ứng hàng hóa đều đặn và ổn định số lượng theo yêu cầu của các đơn đặt hàng trong nước cũng như ngoài nước.

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: Tạo chuỗi cung ứng-tiêu thụ ảnh 2Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rau an toàn tại siêu thị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

"Trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có một số khu nông nghiệp công nghệ cao được thành lập và đã đi vào hoạt động, đó là khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó tạo nguồn nguyên liệu bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho thị trường," ông Từ Minh Thiện đề xuất./.

Đón đọc bài 3: Phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Điểm nghẽn hạ tầng đường bộ

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục