Tăng cường kết nối, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) có rất nhiều tiềm năng, lợi thế.
Tăng cường kết nối, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 1Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap tại hệ thống siêu thị Co.op mart Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, những yêu cầu mới, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, đang đặt ra cho vùng này nhiều bài toán cần sớm có lời giải, nhất là tính hiệu quả trong kết nối giao thông, đầu tư, thương mại.

Bài 1: Tăng cường kết nối và phát triển thương mại

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được đánh giá là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước, trung tâm thương mại, đầu mối giao thương quan trọng trong và ngoài nước. Từ yêu cầu thực tiễn, các địa phương trong vùng đã có những mô hình kết nối thương mại hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn có những yêu cầu đặt ra cần có cơ chế hợp tác hiệu quả, bền vững hơn.


Nhiều mô hình liên kết vùng hiệu quả

Phân tích về những mô hình liên kết thương mại vùng hiệu quả, cụ thể là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Dương Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho rằng không thể không kể đến Chương trình hợp tác thương mại giữa Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ-Tây Nam Bộ.

Từ những giải pháp thiết thực của các chương trình này, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được chuỗi VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) với 45 trang trại chăn nuôi; hơn 500 trang trại được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai cũng hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm tại 3 huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Long Khánh với hơn 1.400 nông hộ tham gia.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho hay là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện các nội dung hợp tác thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, Saigon Co.op đã kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản của nhiều địa phương trên cả nước. Song song với việc mở rộng mạng lưới phân phối, hệ thống bán lẻ về vùng sâu, vùng xa, Saigon Co.op đã tích cực đưa hàng hóa tham gia Chương trình Bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh lan tỏa đến nhiều địa phương; đồng thời cùng các địa phương hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh và 21 tỉnh, thành phố phía Nam cùng các nhà phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Chương trình tạo cầu nối cho các nhà sản xuất, cung ứng và nhà phân phối hình thành chuỗi thực phẩm an toàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản; kiểm soát và truy suất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đảm bảo an toàn nguồn cung lượng thực, thực phẩm.

Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và 19 tỉnh, thành phố cũng tăng cường cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin, hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát tốt tình hình lưu thông hàng hóa của các địa phương.

Vừa qua, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp tục phát huy các giải pháp liên kết để thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, từ khi xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, các siêu thị và chợ lẻ. Đề án với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố như Tây Ninh, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai... nhằm đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an toàn đối với thịt lợn bằng ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc kiểm tra, kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đã góp phần tạo niềm tin cho doanh nghiệp tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, điều này giúp hàng hóa Việt Nam xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng, từng bước đánh lùi hàng gian, hàng giả và hàng kém chất lượng.

Hiệu quả của các chương trình hợp tác thương mại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã mang lại cơ hội cho nhà sản xuất, người nông dân tìm được đầu ra ổn định; nhiều doanh nghiệp địa phương không ngừng gia tăng sản lượng cung ứng và trở thành nhà cung cấp chiến lược cho các nhà bán lẻ, kênh phân phối hiện đại. Các chương trình hợp tác thương mại giữa các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là giải pháp hiệu quả để chính quyền các địa phương làm cầu nối cho doanh nghiệp liên kết, hợp tác đầu tư lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp...


Đột phá về cơ chế thị trường

Trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay chính là các địa phương đi đầu trong đột phá chuyển sang cơ chế thị trường. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, Long An là điển hình của quá trình đột phá cơ chế một giá; Bình Dương cải cách cơ chế, xác lập một mẫu hình mới về mối quan hệ chức năng Nhà nước-thị trường, áp dụng chính sách thu hút đầu tư phát triển một cách thông thoáng; Đồng Nai với lợi thế thừa hưởng các khu công nghiệp cũ, đã đi trước các địa phương khác trong việc xây dựng các khu công nghiệp hiện đại.

Đặc biệt, song song với vai trò trung tâm kết nối phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp thị trường, cơ hội phát triển, vốn, công nghệ-kỹ thuật... qua đó đóng vai trò “chủ công” cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong quá trình chuyển đổi và phát triển cơ chế kinh tế thị trường.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dựa trên cơ sở xác định tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của mỗi địa phương, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp liên kết đầu tư, liên kết trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ như đầu tư sản xuất tạo nguồn nguyên liệu, hàng hóa, hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, với hoạt động xúc tiến thương mại, tỉnh Long An luôn ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, tăng cường các giải pháp giúp doanh nghiệp địa phương quảng bá thương hiệu qua các hội chợ, triển lãm.

Ngành công thương tỉnh Tây Ninh luôn nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, nâng cấp hạ tầng thượng mại, tăng cường xuất nhập khẩu, xúc tiến kêu gọi đầu tư và kiểm soát chặt thị trường. Nhờ đó, trong năm 2016 chỉ số về thương mại theo kế hoạch là 6% nhưng kết thúc dự kiến đạt 8,6%.

Ông Lê Thành Công, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh cho hay điểm sáng của ngành công thương tỉnh Tây Ninh trong những năm qua, là đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như các địa phương trong và ngoài nước. Từ đó, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có hàng trăm đơn hàng bao tiêu hàng hóa hai chiều được ký kết, giúp các loại hàng hóa của Tây Ninh có thêm điều kiện để thâm nhập trên nhiều thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tăng cường kết nối, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đánh giá cao về các chương trình hợp tác thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, đặc biệt là liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng những kết quả đạt được là nhờ vào sự quyết tâm của lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong việc tạo ra được chuỗi liên kết, khơi thông kênh phân phối, đưa hàng hóa địa phương vào tiêu thụ tại các thị trường lớn trong nước và từng bước đẩy mạnh xuất khẩu.

Các chương trình hợp tác thương mại ngày càng phát huy được hiệu quả, đi vào chiều sâu và lan tỏa ra nhiều địa phương, thu hút doanh nghiệp tham gia tích cực, thúc đẩy liên kết các địa phương cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.


Đón đọc bài 2: Bước đầu hình thành chuỗi liên kết cung ứng-tiêu thụ

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục