Quy hoạch xây dựng vùng T​P.HCM theo mô hình tập trung đa cực

Chiều 19/10, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch xây dựng vùng T​P.HCM theo mô hình tập trung đa cực ảnh 1Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Chiều 19/10, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng ​vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, đánh giá, sau 6 năm thực hiện Quy hoạch ​vùng Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008, đến nay đã xuất hiện những nhân tố, tư duy, thách thức và cơ hội mới cần có sự điều chỉnh kịp thời.

Đặc biệt ​vùng Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở vị trí chiến lược, có cơ hội hình thành siêu đô thị và là cực tăng trưởng của khu vực kinh tế phía Nam nên việc điều chỉnh quy hoạch càng phải bám sát nhu cầu phát triển thực tiễn của khu vực này; đáp ứng đồng bộ các yếu tố để phát triển toàn diện.

Theo ông Ngô Quang Hùng​, phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, đây là lần đầu tiên có tổ chức quốc tế giúp tham gia tư vấn điều chỉnh quy hoạch.

Một trong những mục tiêu được đặt ra khi điều chỉnh Quy hoạch xây dựng ​vùng Thành phố Hồ Chí Minh là hình thành mô hình tập trung đa cực với 8 tỉnh thành phố gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang. 

Đồ án đã cập nhật những phát hiện và đề xuất của các đồ án liên quan (cấp quốc gia, vùng, tỉnh và thành phố) trong quá trình nghiên cứu để đảm bảo tính phù hợp.

Quy hoạch xây dựng ​vùng Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kihn tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hoạch định và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và quốc gia; nâng cao chất lượng sống của người dân trong vùng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. 

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận xét, lần điều chỉnh quy hoạch này đã bám sát xu hướng phát triển chung trong vùng, nhưng để đạt được hiệu quả cao còn cần các giải pháp tổng hợp; trong đó cần làm rõ hơn các tiêu chí căn cứ dự báo sát thực tế, tầm nhìn và mục tiêu chiến lược, hành lang biên giới​-ven biển, cân bằng trong phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu.

Vai trò kết nối của các trung tâm mới như sân bay Long Thành, Cảng Cái Mép, Sông Sài gòn cần được quan tâm đặc biệt - ông Chính đề xuất thêm. 

Các chuyên gia đến từ Công ty Tư vấn Insar lưu ý, Quy hoạch xây dựng ​vùng Thành phố Hồ Chí Minh cần cân bằng các vùng xung quanh đô thị lõi là thành phố Hồ Chí Minh; phải cân bằng được giữa hai yếu tố thích nghi với biến đổi khí hậu và đô thị hóa để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Khi đã có tầm nhìn dài hạn đến năm 2050 thì nên coi trọng tác động của biến đổi khí hậu để có giải pháp hợp lý, nhất là chống ngập lụt; tập trung vào giao thông với những tuyến đường kết nối...

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch ​vùng Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng phát triển lên phía Bắc, hạn chế phát triển xuống phía Nam và Tây Nam nhằm tránh ngập úng; thực hiện mô hình tập trung đa cực, phát triển cân bằng các đô thị cho toàn vùng, quy hoạch không gian mở và các giải pháp mềm ứng phó biến đổi khí hậu...

Dự kiến, các đóng góp Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2016./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục