Xây đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa: Xứng đáng nhưng vẫn nhiều băn khoăn

Theo ý kiến các nhà khoa học, cần xây đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa để vinh danh người anh hùng dân tộc và nhận diện trọn vẹn giá trị của Di tích Quốc gia Đặc biệt Cổ Loa.
Đền thờ An Dương Vương tại khu di tích Cổ Loa. (Ảnh: TTXVN)
Đền thờ An Dương Vương tại khu di tích Cổ Loa. (Ảnh: TTXVN)

Ngô Quyền là vị anh hùng dân tộc, “vị Tổ trung hưng nước ta, chỉ sau Thủy tổ dựng nước là Hùng Vương,” như nhà yêu nước Phan Bội Châu đã nhận định. Khắp cả nước có tới hơn 80 di tích thờ tự Ngô Quyền, nhưng tại nơi ông dựng nước, xưng vương, định đô là Cổ Loa–Đông Anh thì lại chưa có đền thờ Ngô Quyền.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đặt vấn đề tại Hội thảo khoa học "Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước" diễn ra sáng 1-10, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm tôn vinh Ngô Quyền, khẳng định một cách chắc chắn những đóng góp của Ngô Quyền trong việc xây dựng triều đình nhà Ngô trong tiến trình lịch sử dân tộc thông qua nguồn tư liệu thư tịch liên quan đến Ngô Quyền nói chung và giai đoạn Ngô Quyền định đô và xưng vương ở Cổ Loa nói riêng.

Từ đó, hội thảo đưa ra những cơ sở khoa học phục vụ Dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa và nghiên cứu xây dựng kịch bản lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa mang tính chất Quốc lễ thường niên.

Xứng đáng có đền thờ tại nơi định đô xưng vương

Tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ôn lại giai đoạn lịch sử, công lao, chiến công hiển hách của Ngô Quyền, góp phần lập nên nhà nước tự chủ và độc lập, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc.

Xây đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa: Xứng đáng nhưng vẫn nhiều băn khoăn ảnh 1Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo thành phố, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng nhiều nhà nghiên cứu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngô Quyền sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội); là người tài giỏi, khôi ngô, tuấn tú, được Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ chọn làm nha tướng, yêu mến, gả con gái và giao cho cai quản châu Ái (Thanh Hóa ngày nay).

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị thuộc tướng là Kiều Công Tiễn giết hại, đoạt chức khiến trong dân oán thán và ngoài bờ cõi giặc giã thừa cơ xâm lấn. Trước nguy cơ này, năm 938, Ngô Quyền từ vùng Ái Châu đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn rửa thù rồi tiến ra cửa biển Bạch Đằng đón quân xâm lược. Dựa vào thủy triều cùng kế sách cắm cọc lòng sông vây hãm quân giặc, Ngô Quyền đã giành đại thắng trên sông Bạch Đằng.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: "Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở để mùa xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa - Kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944."

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý cũng nêu rõ sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam.

Công lao to lớn của Ngô Quyền đối với đất nước, sử sách nước ta trong nhiều thập kỷ vừa qua đã xác định rõ, song giới sử học và các cơ quan liên quan vẫn đặt ra nhiệm vụ tiếp tục sưu tầm thêm tài liệu và nghiên cứu sâu sắc hơn về Ngô Quyền.

Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, một số cuộc hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Ngô Quyền đã được tổ chức; nhiều công trình nghiên cứu về Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng được công bố trên các sách và tạp chí chuyên ngành.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cho biết có rất nhiều di tích thờ Ngô Vương Quyền rải rác khắp miền Bắc, từ quê hương Đường Lâm đến Hải Phòng, nơi ghi dấu ấn chiến thắng quân Nam Hán.

"Những nơi ông dẫn quân đi qua cũng đều có đền thờ, vậy mà Cổ Loa, nơi định đô xưng vương thì lại chưa có nơi thờ tự. Việc xây dựng đền thờ tại đây hoàn thiện giá trị lịch sử của khu di tích Cổ Loa và tôn vinh xứng đáng công lao to lớn của ông.”

Theo giáo sư, tiến sỹ Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, những di sản liên quan đến Ngô Quyền cũng như hướng nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị là nhiệm vụ quan trọng nhằm vinh danh công lao to lớn của Đức vua Ngô Quyền với đất nước. Hội thảo là bước nghiên cứu cần thiết để đưa ra những cơ sở khoa học phục vụ Dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Cổ Loa và nghiên cứu xây dựng kịch bản Lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa.

Cẩn trọng với di sản

Tiến sỹ Lê Thị Thu Hương, Khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đề xuất ý tưởng du lịch kết nối các di tích lịch sử thờ phụng Ngô Quyền ở khu vực châu thổ sông Hồng, bao gồm di tích tại quê hương Đường Lâm, di tích trận chiến Bạch Đằng, di tích cho thấy sự chiêu mộ dân binh và huấn luyện binh sỹ tại Hưng Yên...

Theo tiến sỹ Hương: “Du lịch luôn đóng vai trò kết nối các nguồn tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên đến với du khách.”

“Các di tích thờ Ngô Quyền có liên quan đến thân thế, sự nghiệp và đặc biệt là liên quan đến trận chiến Bạch Đằng năm 938 cùng với các lễ hội văn hóa trong đó đã trở thành một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa cần bảo tồn, khai thác và phát huy,” bà Hương nói.

Cũng theo bà, du lịch sẽ góp phần đưa các giá trị lịch sử, văn hóa đến với du khách trong và ngoài nước. Du lịch là cầu nối quan trọng đưa các giá trị đó sống dậy, hiện hữu trong đời sống đương đại.

Trong khi đó, tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhất trí với ý tưởng xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa, tuy nhiên ông cũng bày tỏ băn khoăn rằng nên xây ở đâu và xây với quy mô như thế nào.

Xây đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa: Xứng đáng nhưng vẫn nhiều băn khoăn ảnh 2Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội kiến nghị Hà Nội cần xác định vị trí thích hợp xây dựng đền thờ Ngô Quyền, tạo sự hài hoà trong di tích Cổ Loa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Từ năm 2002 khi quy hoạch di tích Cổ Loa, chúng tôi đã đặt vấn đề xây dựng đền thờ Ngô Quyền, và có để lại nhiều vị trí trống để sau này nghiên cứu thực hiện. Cổ Loa là di tích hết sức đặc biệt, bảo tồn Cổ Loa là cần bảo tồn vết tích các thời kỳ lịch sử trong suốt 2000 năm chứ không riêng gì thời kỳ Ngô Quyền hay An Dương Vương.”

“Tôi kiến nghị cần xác định vị trí thích hợp, xem xét thêm các điều kiện khác để tạo nên sự hài hòa trong di tích,” ông nói.

“Chúng ta cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm từ xây dựng, phục dựng di tích. Có những di tích được phục dựng thành công nhưng cũng có những nơi để lại những bài học kinh nghiệm chẳng hạn như đền thờ Quang Trung, đình Kim Liên,… Do đó, việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền không phải chỉ xem xét ý chí của các nhà khảo cổ, các nhà khoa học mà phải tích hợp nhiều ngành khác,” tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm khẳng định./.

Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhất trí với ý tưởng xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa, tuy nhiên ông cũng bày tỏ nhiều băn khoăn. 

Tin cùng chuyên mục