Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị mang bản sắc vùng Tây Nguyên

Song song với việc tập trung nguồn lực để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng về kinh tế, giáo dục, y tế…, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê luôn được quan tâm.
Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị mang bản sắc vùng Tây Nguyên ảnh 1Du khách chụp ảnh kỷ niệm với voi tại khu du lịch Hồ Lắk. (Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh/TTXVN)

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội của toàn vùng.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bộ Chính trị đã ban hành các kết luận, với định hướng, mục tiêu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm mang bản sắc vùng Tây Nguyên.

Chủ trương lớn

Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận 67-KL/TW đã đề ra phương hướng xây dựng kinh tế-xã hội thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng của vùng.

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động triển khai kết luận 67-KL/TW. Trong đó, đề ra giải pháp, nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở cho các bộ, ngành, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội Đảng bộ thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ tập trung nguồn lực xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên theo hướng hiện đại nhưng phải giữ được bản sắc văn hóa vùng.

Có thể thấy, mục tiêu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên là chủ trương lớn của cả Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, để đạt được mục tiêu xây dựng đô thị mang bản sắc của vùng, địa phương cần xác định rõ thách thức, đề ra giải pháp phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp tỉnh Đắk Lắk.

Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị mang bản sắc vùng Tây Nguyên

Ông Y Kô Niê, Phó trưởng Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk - người có hơn 30 năm tham gia công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa cho rằng, trước hết, phải khẳng định chủ trương của Đảng, chính quyền các cấp về xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm và mang bản sắc vùng có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Tuy nhiên, hiện nay, với nhiều nguyên nhân khác nhau, bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa bị mai một khá nhiều. Điều này đặt ra thách thức đối với quá trình thực hiện mục tiêu trên.

[Phát triển du lịch Đắk Lắk thành ngành kinh tế mũi nhọn]

Đơn cử như các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng, văn nghệ dân gian, kiến trúc, văn hóa ẩm thực, ngôn ngữ, chữ viết… hầu hết đều bị mai một. Điều này đòi hỏi cần có bước đi cụ thể, giải pháp lâu dài trong thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp tỉnh Đắk Lắk.

Theo ông Y Kô Niê, một trong những nhân tố quan trọng để thực hiện mục tiêu trên là yếu tố con người, nhất là thế hệ trẻ. Đây là nguồn lực quan trọng để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị mang bản sắc vùng Tây Nguyên, do đó cần có sự bồi dưỡng kiến thức và trải nghiệm thực tế về những giá trị văn hóa của dân tộc bản địa như dạy đánh cồng chiêng, tạo điều kiện tái hiện lễ hội truyền thống của người Ê Đê (lễ mừng lúa mới, cúng sức khỏe, cúng bến nước…) và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc bản địa.

Bên cạnh đó, giải pháp “dùng văn hóa để nuôi sống văn hóa” cần được triển khai, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, các buôn phát triển du lịch cộng đồng của thành phố Buôn Ma Thuột cần chú trọng đến kiến trúc nhà dài truyền thống của người Ê Đê.

Các lễ hội đặc trưng, diễn tấu cồng chiêng, văn hóa ẩm thực, nghề dệt thổ cẩm… phải được xây dựng và kiểm duyệt nhằm đảm bảo đúng nguyên bản nền văn hóa của dân tộc bản địa, tạo cảm giác trải nghiệm du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng của dân tộc Ê Đê. Từ đó, hình ảnh một đô thị hiện đại và giàu bản sắc của vùng Tây Nguyên được mới quảng bá.

Để thực hiện mô hình trên, bên cạnh việc đồng bào Ê Đê phải duy trì, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, chính quyền địa phương cần hỗ trợ về công tác quy hoạch, nguồn vốn triển khai…

Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên giám sát hoạt động của các khu du lịch cộng đồng nhằm tránh trường hợp chạy theo lợi ích kinh tế mà phá vỡ “không gian văn hóa” khi triển khai mô hình du lịch cộng đồng, ông Y Kô Niê chia sẻ.

Hiện nay, đến với thành phố Buôn Ma Thuột, du khách thường tìm đến buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) - nơi vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê như nhà dài, bến nước, cồng chiêng, ẩm thực, thổ cẩm.

Theo chị Nguyễn Đỗ An, du khách đến từ thành phố Đà Nẵng, điều đặc biệt của buôn Akô Dhông là khung cảnh hữu tình, không khí trong lành, nét đẹp tự nhiên và đậm nét văn hóa của dân tộc Ê Đê.

Tuy nhiên, buôn Akô Dhông cần tạo nên những tour trải nghiệm mang tính du lịch cộng đồng để du khách có thể cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người bản địa. Từ đó tạo nên bản sắc riêng của du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông và nhân rộng ra các địa điểm khác của thành phố Buôn Ma Thuột, để mỗi khi đến đây, du khách sẽ tìm được màu sắc riêng so với du lịch của các tỉnh, thành khác.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết thời gian tới, thành phố tiếp tục bám sát quan điểm chung mà Kết luận 67 của Bộ Chính trị đã đặt ra là xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với tiêu chí đô thị xanh, sinh thái, bản sắc và thông minh.

Do đó, song song với việc tập trung nguồn lực để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng về kinh tế, giáo dục, y tế…, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê luôn được quan tâm.

Thành phố đã có một Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng và tập trung đầu tư cho các buôn giữ gìn bản sắc văn hóa theo hướng “buôn trong phố, phố trong buôn” mang đặc trưng riêng của thành phố Buôn Ma Thuột.

Cùng với đó là tiếp tục quan tâm đầu tư cho 33 buôn của thành phố Buôn Ma Thuột. Các buôn còn giữ được không gian nhà dài, bến nước, văn hóa đặc trưng của dân tộc Ê Đê sẽ được đầu tư để phát huy bản sắc văn hóa.

"Thành phố kêu gọi tư nhân đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch cộng đồng để người dân hưởng lợi trực tiếp từ mô hình này... Các hoạt động trên nhằm tạo ra nét riêng của thành phố Buôn Ma Thuột, sự khác biệt so với đô thị khác trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung," ông Vũ Văn Hưng cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục