Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động... góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam ảnh 1Với quy trình chăn nuôi tuần hoàn, trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Trang Linh, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu giải được bài toán về chất thải sau chăn nuôi, có thêm nguồn thu nhập. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Nhằm đánh giá các thách thức, trở ngại cũng như đề xuất nội dung chính sách đối với kinh tế tuần hòa tại Việt Nam trong thời gian tới, ngày 12/6, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Phát triển kinh tế bền vững, Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.”

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết Quyết định số 687/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

“Để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn, việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng...,” Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

[Kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế]

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động... góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Tuy vậy, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hợp trong bối cảnh Việt Nam cũng đang tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam ảnh 2Pin năng lượng mặt trời được nhiều khu công nghiệp sử dụng, tạo nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Những thách thức đó đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng...; trong đó, việc thúc đẩy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp và hướng đi quan trọng phù hợp với định hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận và chuyển đổi.

Theo Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, do kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau, cách tiếp cận tuần tự, truyền thống nhằm hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan là cần thiết, song không đủ.

Đặc biệt, bối cảnh phục hồi kinh tế của đất nước nói chung và khó khăn nghiêm trọng đối với các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng) trong các tháng đầu năm 2023 nói riêng cũng đòi hỏi phải nhanh chóng tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy “phục hồi xanh.”

Để tạo dựng "sức sống" cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy "phục hồi xanh."

Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trình Chính phủ vào quý 2 năm 2023.

Việc sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn (chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp,…). Theo đó, nội dung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn chính là một yêu cầu quan trọng.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, trong các nền kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn có thể mang lại nhiều cơ hội theo đuổi đa dạng hóa kinh tế và tiếp cận các thị trường có giá trị cao hơn.

Cùng với đó, hợp tác quốc tế có vai trò rất quan trọng, nhằm tiếp cận, ứng dụng và làm chủ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết.

Theo Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, mục tiêu xây dựng chính sách là để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam.

Với những chia sẻ, những góc nhìn về thực trạng, các rào cản và đề xuất được các chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, CIEM kỳ vọng sẽ sớm đề xuất được một cơ chế thử nghiệm hiệu quả để phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn tới đây; đồng thời, sẽ tổng hợp, tập trung nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục