Xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân và người lao động

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải có buổi làm việc với Liên đoàn Lao động TP.HCM và Liên đoàn Lao động Bình Dương về sắp xếp, tổ chức nhà văn hóa lao động của Công đoàn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sáng 27/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có buổi làm việc với Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh và Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương về sắp xếp, tổ chức nhà văn hóa lao động của tổ chức Công đoàn.

Đồng thời, Đoàn cũng kiểm tra thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” và đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020.”

Theo ông Trần Thanh Hải, đây là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận, nhìn lại cách thức tổ chức hoạt động, các thiết chế của nhà văn hóa lao động hướng đến việc tự chủ tài chính mà vẫn đảm bảo yêu cầu phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của người lao động ở lĩnh vực văn hóa, thể thao; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp Công đoàn về trách nhiệm trong việc đẩy mạnh phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghệ nghiệp cho công nhân lao động.

“Mục tiêu của đề án là làm cho công nhân lao động thấy được việc học tập vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu để ổn định việc làm; đảm bảo thu nhập; vừa thực hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước. Đồng thời, xây dựng xã hội học tập, từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,” ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo Liên đoàn Lao động thành phố, trong nhiều năm qua, việc triển khai thực hiện các đề án của Thủ tướng Chính phủ tại các cấp công đoàn thành phố bước đầu đã giúp đội ngũ công nhân thành phố có chuyển biến về nhận thức, vị trí, vai trò, về trách nhiệm của mình.

Người lao động ngày càng tích cực lao động, sản xuất, học tập nâng cao trình độ học vấn, chính trị, tay nghề, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động, sản xuất; có ý chí phấn đấu vươn lên, ý thức xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động; tỷ lệ công nhân đã qua đào tạo nghề ngày càng cao; người công nhân ngày càng hiểu rõ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố nhìn nhận, việc triển khai thực hiện các đề án của Chính phủ còn tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; giúp người sử dụng lao động, cán bộ nhân sự cập nhật các quy định mới để từ đó xây dựng chế độ chính sách đúng luật.

Tình hình thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích; tranh chấp lao động cá nhân, tập thể giảm dần; cán bộ công đoàn cơ sở hiểu rõ quy định pháp luật để thực hiện giám sát việc thi hành pháp luật tại đơn vị, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

“Từ việc chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác phối hợp tuyên truyền, chăm lo cho công nhân, lao động của các cấp công đoàn đã góp phần nâng cao ý thức của người lao động trong thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa giao tiếp ứng xử trong cộng đồng.

Người lao động càng ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật, phát huy vai trò của giai cấp công nhân trong tình hình mới góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế của đơn vị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân,” ông Hồ Xuân Lâm chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện còn số ít doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người lao động hay tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân, người lao động hoặc tổ chức nhưng chưa được đầu tư đúng mức.

Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của công nhân, người lao động còn thiếu và dàn trải, điều kiện bố trí thời gian để công nhân, người lao động tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí còn hạn chế.

Cụ thể tại Cung văn hóa lao động thành phố, trong nhiều năm qua vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế hướng đến tự chủ tài chính nên việc đầu tư, nâng cấp các thiết bị văn hóa, thể thao còn nhiều hạn chế.

Ông Lê Hồng Triều, Giám đốc Cung văn hóa lao động thành phố cho rằng, việc tự chủ tài chính trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là trong việc tuyển dụng, hợp đồng với cán bộ quản lý, cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đối với Cung văn hóa và hơn nữa là các nhà văn hoa lao động quận-huyện.

Xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân và người lao động ảnh 1Ông Lê Hồng Triều, Giám đốc Cung văn hóa lao động thành phố phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

“Chính vì thế, Cung văn hóa hay các nhà văn hóa lao động quận-huyện cần thiết phải được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ mới đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người lao động; hoạt động tại Cung văn hóa hay nhà văn hóa cần phải xác định cán bộ, con người là trung tâm, phải có tâm huyết, có chuyên môn, tích cực, năng động, sáng tạo và cần có cơ chế về nhân sự tham gia quản lý.

Thiết chế Cung văn hóa, nhà văn hóa hiện mỗi nơi, mỗi khác nên cần phải sửa đổi để phù họp với đề án của Chính phủ, cần có sự thống nhất, đồng bộ trong thành phố hoặc theo từng khu vực,” ông Lê Hồng Triều chia sẻ.

Cùng quan điểm bà Nguyễn Trần Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho rằng cần thiết cơ cấu nhân sự ít nhất một viên chức thay vì hợp đồng theo quy định. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn trong việc quản lý, điều hành để đơn vị hoạt động hiệu quả, chất lượng hơn và phục vụ người lao động tốt hơn.

Theo bà Nguyễn Trần Bảo Trân, toàn tỉnh hiện chỉ có Trung tâm Văn hóa Lao động Bình Dương tại khu công nghiệp VSIP với hàng trăng nghìn công nhân lao động nên hoạt động tại đây rất hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, công nhân lao động chọn nơi đây làm nơi sinh hoạt, giao lưu, vui chơi, giải trí bởi những tiện ích về khoảng cách, chi phí sinh hoạt thấp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người lao động.

“Các thiết chế văn hóa dành cho người lao động tại tỉnh hiện còn ít, chính vì thế khi Trung tâm chính thức đưa vào hoạt động trở thành tâm điểm của doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Trung tâm văn hóa lao động đã miễn giảm, ưu đãi 15% cho người lao động; toàn bộ kinh phí thu lại chỉ được dùng vào việc bảo dưỡng cơ sở vật chất để hướng đến mục đích là phục vụ người lao động, vì người lao động,” bà Nguyễn Trần Bảo Trân chia sẻ.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các nhà văn hóa quận-huyện của Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nhiều bất cập, khó khăn, thiếu đồng bộ trong những nhà văn hóa lao động hiện nay. Trong đó, phần nhiều nhà văn hóa lao động còn nhỏ, cơ sở vật vừa ít, vừa cũ kỹ; có nơi chỉ có hội trường, thiếu phòng, thiếu phương tiện.

Có nhà văn hóa vừa phục vụ cho công nhân, vừa phục vụ hoạt động của các tổ chức chính trị đoàn thể... Do đó, rất cần xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp để phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của người lao động..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục