Chiều 22/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh Nam sông Hậu gồm: Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng dự có các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông hàng hóa
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện các tỉnh Nam sông Hậu cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn mỗi địa phương đều được kiểm soát tốt. Người dân đồng tình và cơ bản thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa, trong đó có mặt hàng nông sản, thủy sản tương đối ổn định.
Một số địa phương như Cà Mau, An Giang cũng chia sẻ khó khăn trong việc kiểm soát người từ các địa phương khác về địa bàn, nhất là từ vùng dịch Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương; việc kiểm soát y tế tài xế đường dài đi qua địa bàn, đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thêm hệ thống xét nghiệm, máy sinh học cũng như chi viện nguồn nhân lực y tế cho địa bàn.
Liên quan đến lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cho biết trong các tỉnh Nam sông Hậu chỉ có An Giang, Kiên Giang vượt quá 100 ca mắc COVID-19 nhưng vẫn nằm trong kiểm soát. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa đề nghị của các tỉnh Nam Sông Hậu nhưng phải cân đối vào tình hình thực tế.
Chung quan điểm, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng dịch COVID-19 ở các tỉnh Nam sông Hậu đang trong tầm kiểm soát. Nếu các tỉnh tận dụng “thời gian vàng” thực hiện hết Chỉ thị 16 với việc tập trung tất các các biện pháp chắc chắn sẽ tạo “vùng xanh” an toàn, là hậu cứ tiếp tục củng cố lực lượng để tấn công, chi viện cho các tỉnh Nam sông Tiền, Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ.
Về vấn đề đảm bảo sản xuất nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết sản xuất trên địa bàn các tỉnh Nam sông Hậu vẫn ổn định, đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, việc lưu thông có thể ùn tắc cục bộ.
Đáng chú ý, thực hiện Chỉ thị 16 nên nhiều cơ sở giết mổ phải đóng cửa dẫn tới lượng hàng hóa như thịt lợn, thị gà vào siêu thị phải diễn ra chậm hơn. Vì thế, các địa phương cần tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu giết mổ và sơ chế; đồng thời hỗ trợ công nhân lao động có kinh nghiệm có thể làm việc để thu hoạch trái cây đến mùa, bổ sung con giống trong mùa vụ thả tôm đợt 2 khi mà70% đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu con giống.
“Tỉnh Kiên Giang cần xem xét lại việc 20/32 nhà máy chế biến thủy sản đóng cửa, hỗ trợ doanh nghiệp về nguyên liệu cũng như tạo điều kiện để công nhân làm việc lại vì các nhà máy này sản xuất có tính chất đặc thù, không thể cầm cự trong thời gian dài như các nhà máy khác,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết thêm.
[Phó Thủ tướng: Cần quản lý nghiêm ngặt trong khu phong tỏa, cách ly]
Về vấn đề giao thương hàng hóa, theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay nguồn hàng có thể đáp ứng đủ nhu cầu, tuy nhiên tại một số tỉnh Nam sông Hậu và cả Thành phố Hồ Chí Minh do đã đóng cửa chợ truyền thống và chợ đầu mối nên tạo áp lực cho người dân trong việc tiếp cận nguồn hàng.
Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành cân nhắc việc đóng cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối, chỉ tạm dừng hoạt động đối với những chợ không đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cần cụ thể tình huống siết chặt Chỉ thị 16 để Bộ và các tỉnh, thành có căn cứ lên phương án chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho nhu cầu của người dân,” Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
Một vấn đề phát sinh bất cập hiện nay là quản lý tài xế đường dài khi di chuyển qua nhiều địa bản, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội và các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam, ngoài điều kiện phòng, chống dịch, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương không kiểm tra tài xế, phương tiện khi chở hàng hóa thiết yếu trên đường.
Theo ông Lê Đình Thọ, trong Văn bản 5753/BYT-MT của Bộ Y tế thể hiện việc không kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa, điều này nghĩa là không kiểm tra khi xe đang lưu thông trên đường và nhưng vẫn phải kiểm tra tại điểm đầu và điểm cuối lộ trình di chuyển. Tài xế đường dài vẫn phải đáp ứng điều kiện có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trước khi lên điều khiển phương tiện.
Trao đổi lại vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nói: “Cấp QR code - "luồng xanh" quốc gia để vận chuyển hàng thiết yếu nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh để liên hệ được với các Sở Giao thông vận tải các tỉnh nhận mã QR code gặp rất khó khăn, giống như ban phát, xin-cho. Vì thế, cái nào xác định vận chuyển xăng dầu, khí ga, thiết bị lương thực thực phẩm phải cấp ngay. Các Sở Giao thông vận tải địa phương phải tăng cường tiêm vaccine cho tài xế, xét nghiệm nơi nhận hàng và nơi trả hàng.”
Kết luận về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý việc xét nghiệm nhanh không phải là cách đạt hiệu quả cao, dễ sót đối tượng. Phải xem lái xe chở hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu thiết yếu như làm công vụ, phải tạo điều kiện tốt nhất để thuận lợi và an toàn cho việc di chuyển. Các địa phương nơi có doanh nghiệp đăng ký, hoặc có lái xe, hộ kinh doanh chở hàng phải có trách nhiệm quản lý số lái xe và tổ chức xét nghiệm.
Bộ Y tế rà soát có văn bản để quán triệt và thực hiện thống nhất lại trên toàn quốc và chuyển nhanh lượng kít test nhanh cho Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, căn bản lái xe vẫn phải được xét nghiệm bởi các cơ quan y tế địa phương trước khi lái xe.
Thiết lập “vùng xanh” an toàn
Tại cuộc họp, bàn giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả tại các tỉnh Nam sông Hậu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho rằng hiện nay nguồn lực đang bị chia nhiều mặt trận và nên tập trung cho 6 tỉnh Nam sông Hậu nhằm thiết lập “vùng xanh.”
Tuy nhiên, hiện nay việc truy vết tại một số tỉnh Nam sông Hậu không đạt hiệu quả, chủ yếu giao cho lực lượng y tế mà không thẩm tra, xác minh, đối chứng nên để lọt F0 ra ngoài cộng đồng rất nhiều, khiến dịch bệnh vùng lên. Vì thế, các tỉnh Nam sông Hậu trong khoảng “thời gian vàng” cần phát huy biện pháp truy vết, hình thành lực lượng phản ứng nhanh, liên ngành trong đó có lực lượng công an tham gia.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề xuất chiến lược thiết lập lại 6 tỉnh Nam sông Hậu thành một vùng để tạo căn cứ an toàn phòng dịch COVID-19 cho miền Nam, từ đó chi viện cho các tỉnh Bắc sông Hậu, Thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh đạo các Sở Y tế địa phương cần bám sát nguyên tắc của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 là phát hiện sớm, truy vết, tổ chức xét nghiệm một cách đồng bộ, đúng chiến lược.
Kết luận cuộc họp, ghi nhận các tỉnh Nam sông Hậu đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tình hình cơ bản đã kiểm soát được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý các địa phương này cần tiếp tục thực nghiêm, chắc chắn, hiệu quả Chỉ thị 16 để lần sau nếu thực hiện tiếp sẽ không bị “nhờn.”
Các tỉnh Nam sông Hậu phải thực hiện đồng bộ Chỉ thị 16, vận hành tối đa công suất năng lực của máy, đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, việc xét nghiệm không lạm dụng xét nghiệm nhanh mà tập hợp mẫu gộp; nơi nào người dân sốt, ho phải lập tức tổ chức xét nghiệm.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các tỉnh Nam sông Hậu phải kiểm soát được người từ các nơi về địa phương đúng phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người.” Nơi nào, cơ sở nào không nắm được người từ địa phương khác về hoặc về mà không chủ động khai báo, vừa phải xử lý nghiêm người không khai báo, vừa rà soát trách nhiệm chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó phải khoanh thật chặt, quản lý thật nghiêm trong các khu phong tỏa, cách ly.
“Mong các tỉnh Nam sông Hậu tăng tốc, làm xanh, làm sạch, nếu còn một vài điểm đỏ thì khoanh gọn lại, kiên trì bao vây, phá dần và sẵn sàng lực lượng chi viện cho các địa phương ít nặng hơn theo công bố của Bộ Y tế. Muốn vậy, máy móc phải chạy, con người phải làm, tăng tốc tối đa để truy các vùng dịch, quét sạch và sẵn sàng lên chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh trong trường hơp dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý với lãnh đạo các tỉnh Nam sông Hậu.
Phải quản lý, theo dõi sức khỏe của F0
Về vấn đề “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bản thân F0 chưa phải là bệnh nhân, chỉ là người nhiễm virus. Người vào khu cách ly chưa có triệu chứng nhưng khi có triệu chứng thì biến chuyển rất nhanh nên phải quản lý, theo dõi sức khỏe thật sát, nếu có triệu chứng phải xử lý ngay.
Ngay trong ngày đầu tiên thu dung vào, vì chưa phải là bệnh nhân nên phải có chỗ đi lại cho các F0 và sử dụng thuốc Đông y theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi đối tượng bắt đầu có triệu chứng phải chuẩn bị oxy gồm oxy y tế riêng lẻ và oxy y tế tập trung. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tăng cường các máy thở oxy áp suất cao, từ đó sẽ giảm số bệnh nhân nặng diễn tiến nặng hơn.
Đề cập một số nội dung liên quan đến “tâm dịch” Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhằm giúp hình thành vùng có cơ chế lưu thông thông suốt nhưng vẫn đặt trong vùng dịch, vừa đảm bảo lưu thông vừa đảm bảo an toàn.
"So với các tỉnh Nam sông Hậu và các tỉnh phía Nam khác, việc dập dịch trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lâu hơn, cần phải có cuộc kháng chiến dài hơi và có chiến khu an toàn," Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.