Xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát

Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực và cử cán bộ hướng dẫn địa phương thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát.

Quang cảnh phiên xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan ngày 11/4. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Quang cảnh phiên xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan ngày 11/4. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 12/4, tại buổi họp báo thường kỳ quý 1 năm 2024 của Bộ Tư pháp, trả lời câu hỏi của báo chí về kế hoạch thi hành án để thu hồi tài sản trong vụ Vạn Thịnh Phát, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết vụ án này vừa được Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án sơ thẩm. Bản án có phần nội dung về bồi thường thiệt hại với khoản tiền rất lớn, với nhiều tài sản, nhiều đương sự.

Theo ông Nguyễn Thắng Lợi, ngay trong giai đoạn điều tra và truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên, phong tỏa và chuyển giao tài sản, vật chứng cho cơ quan thi hành án. Sau đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát những thủ tục pháp lý đối với các tài sản, vật chứng đó để đảm bảo việc thi hành án.

Về trình tự, thủ tục, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay hiện nay, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành. Sắp tới, khi các bên liên quan phần tuyên án về bồi thường thiệt hại không có kháng cáo, kháng nghị hoặc có kháng cáo và tòa án cấp phúc thẩm tuyên bản án có hiệu lực, bên liên quan có đơn đề nghị thi hành thì cơ quan thi hành án sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.

"Vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ án rất lớn, nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội. Vì vậy, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương (Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực và cử cán bộ hướng dẫn địa phương thi hành án, sẵn sàng tiến hành đúng quy định của pháp luật ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật," ông Nguyễn Thắng Lợi chia sẻ.

Thông tin tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong sáu tháng (kỳ báo cáo tính từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/3/2024), các cơ quan đã thi hành xong 242.304 việc và trên 47.595 tỷ đồng. Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 1.177 việc với hơn 10.000 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo. Tính từ 1/10/2023 đến 29/2/2024, cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được hơn 8.960 tỷ đồng.

Trong 6 tháng, từ 1/10/2023-31/3/2024, Tòa án Nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự 1.387 bản án hành chính. Các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo dõi 1.387 bản án, số cũ chuyển sang là 776 việc, số tiếp nhận mới là 611 việc.

Các cơ quan hành chính đã thi hành xong 400 việc; đang tiếp tục thi hành 979 bản án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục