Xây dựng ngành LĐ-TB&XH đi đầu về giải quyết vấn đề xã hội cấp bách

Trong 5 năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đổi mới, đột phá trong xây dựng thể chế để giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội như: Việc làm, chăm sóc người có công, trẻ em, giảm nghèo...
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá về kết quả thi đua yêu nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá về kết quả thi đua yêu nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hôm nay 17/11 tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Lao động-Thương binh và Xã hội lần thứ V, nhằm tổng kết, đánh giá kết quả các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm (2016-2020), đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.

Đi đầu trong giải quyết vấn đề cấp bách của xã hội

Với truyền thống luôn đi đầu trong giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội như: Việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công, chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo...  ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành và chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội trong 5 năm qua.

Từ những phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp đã xuất hiện nhiều đơn vị, tập thể điển hình, tiêu biểu đi đầu trên từng lĩnh vực như: Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Kạn, Lai Châu... đã thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong lĩnh vực người có công với cách mạng, các chính sách tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng. Công tác trợ cấp thường xuyên được thực hiện kịp thời, đầy đủ cho gần 1,5 triệu người có công với cách mạng.

Nhiều địa phương luôn đi đầu trong việc thực hiện đúng, đủ kịp thời các chính sách, giải quyết nhanh hồ sơ tồn đọng, tổ chức tốt các phong trào xây dựng quỹ đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh nặng, làm nhà tình nghĩa, tôn tạo, chăm sóc phần mộ liệt sỹ trong các nghĩa trang như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Đắc Lắc, Kon Tum và nhiều địa phương khác.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững hướng tới mục tiêu cải thiện, từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự xúc động và cảm phục những công việc thầm lặng nhưng vô cùng cao quý của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã đạt được thời gian vừa qua.

[Ban Tuyên giáo phát huy sức mạnh tập thể trong phong trào thi đua]

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hoan nghênh ngành Lao động-Thương binh và Xã hội ngoài việc tham mưu trình Nhà nước và Chính phủ rất nhiều văn bản liên quan tới công tác giảm nghèo còn hưởng ứng rất tích cực phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau," góp phần cùng cả nước hỗ trợ cho địa bàn nghèo, cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo và người khó khăn.

Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao vai trò của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ thông qua Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh lưu ý Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần tập trung tổ chức thi hành Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 1/1/2021; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ngoài ra, chú trọng rà soát quy hoạch và phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng liên thông trong giáo dục nghề nghiệp, chú trọng lao động nông thôn; đẩy mạnh xuất khẩu lao động lành mạnh, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển thị trường lao động hiện đại.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, đề xuất, nâng mức trợ cấp cho người có công phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước; tập trung giải quyết dứt điểm khen thưởng thành tích kháng chiến còn tồn đọng và phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” nhằm thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với người có công cách mạng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh cần phải hoàn thiện chính sách xã hội theo hướng tăng cường gắn kết xã hội, phát huy các giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết để phát triển bền vững; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại và hội nhập quốc tế; mở rộng chính sách trợ giúp và thực hiện tốt các quyền trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, thúc đẩy bình đẳng giới và quan tâm phòng ngừa các tệ nạn xã hội.

Xứng đáng là hiện thân của lòng nhân ái

Chia sẻ tại đại hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã cùng đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng thể chế, đổi mới và thực hiện các nhiệm vụ, đột phá trong giải quyết các vấn đề khó và mới và tạo ra nhiều nội dung chưa có tiền lệ. Kết quả đó đã tổng kết hàng năm và được Đảng, Nhà nước ghi nhận đánh giá và tặng những phần thưởng cao quý.

Xây dựng ngành LĐ-TB&XH đi đầu về giải quyết vấn đề xã hội cấp bách ảnh 1Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại đại hội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trong gần 60 năm qua để tham mưu, trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Đây là dịp để toàn ngành đánh giá lại kết quả thi đua trong 5 năm, tôn vinh những cá nhân và tập thể tiên tiến trong phong trào. Đồng thời qua đây, chúng ta cũng tập trung xem xét lại và tạo ra những phong trào thi đua mới trong 5 năm tới, để ngành tiếp tục có những đổi mới ngành xứng đáng là hiện thân của lòng nhân ái.”/.

Nhiều kết quả lớn trong thực hiện chính sách Lao động-Thương binh và Xã hội giai đoạn 2015-2020: Mỗi năm cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động; giáo dục nghề nghiệp cho trên 1,8 triệu người; đưa khoảng trên 120.000 người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 100,6% chỉ tiêu kế hoạch.

Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn, đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà của các đối tượng xã hội; tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội với hình thức hỗ trợ thích hợp; các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản vượt kế hoạch đề ra…

Các Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm…đã có nhiều sáng tạo, cách làm hay để vượt qua khó khăn ổn định và phát triển đơn vị như: Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Duy Tiên, Kim Bảng, Thuận Thành, Long Đất, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Qui Nhơn, Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì, Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An….

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục