Xây dựng nhà văn hóa các dân tộc Vân Kiều và Pakô

Việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều-Pakô góp phần bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống.
Chào mừng 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 67 năm Ngày đồng bào Pakô và Vân Kiều mang họ Bác, sáng 17/5, tại thị trấn Krông Klang, Ủy ban nhân dân huyện Đakrông (Quảng Trị) tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình “Nhà Văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều và Pakô huyện Đakrông”.

Đây là món quà của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dành tặng bà con 2 dân tộc Vân Kiều và Pakô của huyện.

Công trình do Công ty Cổ phần tư vấn chất lượng công trình Kiến Trúc Xanh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.

Công trình được xây dựng tại thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông với diện tích 8.368 m2 , trong đó xây dựng nhà sàn 2 tầng, sân lễ hội, sân khấu ngoài trời, sân bêtông và đường dạo, hệ thống bậc cấp và lối đi cho người tàn tật; hệ thống sân vườn, cây xanh, tiểu cảnh, bãi đỗ xe; kè chắn đất; sân nền…

Nhà trưng bày được thiết kế mang hình dáng kiến trúc ngôi nhà sàn của dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị với hệ thống cột tròn, mái xiên có độ dốc lớn uốn cong ở 2 đầu hồi.

Sau khi hoàn thành, tầng 1 đặt bàn thờ Bác Hồ cũng như trưng bày triển lãm các kỷ vật liên quan đến Bác Hồ, tầng 2 là nơi trưng bày hiện vật các dân tộc anh em qua các thời kỳ.

Đakrông là huyện miền núi có 3 dân tộc là Vân Kiều, Kinh và Pakô cùng sinh sống, trong đó đồng bào Vân Kiều-Pakô chiếm hơn 80% dân số và đều mang họ Bác.

Đakrông còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mang đậm dấu ấn lịch sử của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với những con người sắt son, chung thủy với Đảng, Bác Hồ và cách mạng.

Với vốn văn hóa đặc sắc của mình cùng những lễ hội độc đáo riêng biệt có nhiều di sản văn hoá độc đáo, huyện Đakrông hiện lưu giữ gần 500 chiếc cồng chiêng tại các hộ gia đình, trên 10 lễ hội truyền thống, 13 loại hình nhạc cụ và 6 làn điệu dân ca đặc trưng được đưa vào hạng mục di sản văn hóa để bảo tồn và phát triển.

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều-Pakô có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Qua đó, tạo điều kiện để phát hiện, thống kê, sưu tầm, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của hai dân tộc Pa Kô và Vân Kiều cho các thế hệ mai sau.

Đồng thời, đây sẽ là không gian sinh hoạt văn hóa, nơi tổ chức các lễ hội của đồng bào, cũng là nơi để mọi người thể hiện tình cảm của mình với Bác, với Đảng cũng như với cách mạng.

Đây cũng sẽ là điểm dừng chân của khách du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây./.

Thanh Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục