Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Thái Bình có 237 xã, 7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Thành phố Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ công nhận Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Vũ Thanh Vân, Bí thư Huyện ủy Thái Thụy, đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại huyện Thái Thụy nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.
Là huyện ven biển, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thái Thụy gặp nhiều khó khăn, thách thức như địa bàn rộng, địa giới hành chính lớn, hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nguồn lực hạn hẹp, số tiêu chí đạt chuẩn còn thấp.
Với sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm cao, tháng 12/2019, toàn huyện có 47/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tháng 8/2020, huyện Thái Thụy được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tổng nguồn lực huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới toàn huyện đạt 3.874 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư nâng cấp, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn.
[Thủ tướng dự lễ động thổ dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Thái Bình]
Theo Bí thư Huyện ủy Thái Thụy Vũ Thanh Vân, kết quả trên thể hiện sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở, sự hưởng ứng đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân với vai trò là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Xác định nông thôn mới là cuộc “cách mạng” ở nông thôn, làm thay đổi diện mạo, cuộc sống trực tiếp của nông dân, do đó người dân sẽ đóng vai trò quan trọng, là chủ thể trong cuộc “cách mạng” này.
Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhất là người đứng đầu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng của những người có uy tín trong cộng đồng.
Đồng thời, Tỉnh ủy định hướng các địa phương tập trung xây dựng đề án, kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi với phương châm “làm từ trong đồng làm vào làng, làm từ ngõ xóm làm ra ngoài xã; ưu tiên những tiêu chí thuận lợi triển khai trước và giữ vững các tiêu chí đã đạt; lấy người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, định hướng; ưu tiên thực hiện các tiêu chí phục vụ hỗ trợ sản xuất…”
Thực hiện phương châm này, huyện Thái Thụy đã lựa chọn các nội dung, tiêu chí thuận lợi, cần ít vốn đầu tư triển khai trước; chọn dồn điền đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, huyện Thái Thụy ưu tiên đầu tư làm trước các công trình phục vụ phát triển kinh tế như giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội, đồng thời kế thừa tối đa các công trình hiện có, kết hợp với bổ sung nâng cấp và xây dựng mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Bên cạnh đó, huyện Thái Thụy còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự thay đổi mang tính đột phá trong nhận thức. Cách làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới là tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, chủ động huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng dân cư triển khai xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình, từ đó thu hút được sự hưởng ứng tích cực tham gia của người dân với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ,” phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đóng góp công sức trí tuệ, nguồn lực, sáng kiến của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.
Mặt khác, các địa phương thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ,” phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ban giám sát cộng đồng, từ đó tạo niềm tin của quần chúng nhân dân với công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của huyện Thái Thụy cũng như các địa phương khác trong tỉnh Thái Bình là tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiếp tục khẳng định là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của cả nước. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đến năm 2030 là 30%./.