Ngày 20/4 được Thủ tướng Chính phủ chọn là “Ngày Thương hiệu Việt Nam” nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh quốc gia, thương hiệu Việt Nam thông qua sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, qua đó góp phần phát triển ngoại thương, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và giá trị Thương hiệu Quốc gia trên trường quốc tế.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2023, mặc dù với nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam bởi cạnh tranh địa chiến lược và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; bất ổn địa chính trị và xung đột cục bộ vẫn hiện hữu ở nhiều nơi trên thế giới, đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết cao, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực hành động, vượt qua khó khăn, thách thức để phục hồi và phát triển, góp phần thúc đẩy đưa Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 trên toàn cầu.
Nâng tầm giá trị cốt lõi: Nền tảng để xây dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế
Trong năm 2023, giá trị Thương hiệu Quốc gia đạt 498,13 tỷ USD và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong Top121 Thương hiệu Quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
Đáng chú ý, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tiếp tục thăng hạng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023, xếp thứ 33 trong Top121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới-Brand Finance đánh giá, xếp hạng.
Nhằm hiểu rõ hơn về Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) về những nội dung trên.
- Ông có thể cho biết giá trị thương hiệu Quốc gia của Việt Nam hiện đang tăng trưởng như thế nào?
Ông Hoàng Minh Chiến: Thương hiệu Quốc gia được các tổ chức quốc tế trong đó có Brand Finance đánh giá là một trong những thương hiệu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 5 năm gần đây (từ 2019-2023).
Cụ thể, năm 2019, giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam mới được định giá ở mức 247 tỷ USD thì đến năm 2023, con số này đã tăng gần gấp đôi, với mức 498 tỷ USD và đây là thành quả, kết quả ghi nhận đóng góp của rất nhiều yếu tố.
Trước hết là sự chỉ đạo, vào cuộc hết sức quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và từ chính các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Với trị giá 498 tỷ USD trong năm 2023, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Brand Finance xếp hạng 33/121 tổng số các quốc gia, lãnh thổ được xếp hạng, đây cũng thể hiện Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cũng là 1 trong những thương hiệu mạnh trên trường quốc tế.
- Với các kết quả như vậy, Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến Thương mại có những giải pháp như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu?
Ông Hoàng Minh Chiến: Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để triển khai Chương trình Thương hiệu Quốc gia và mục tiêu hướng tới là xây dựng các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mạnh của quốc gia để từ đó quảng bá ra thế giới rằng Việt Nam có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, chất lượng để từ đó nâng tầm giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Các giải pháp được tập trung chính vào việc nâng cao nhận thức trước hết là của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đối với ý nghĩa và vai trò của việc xây dựng, phát triển và bảo hộ thương hiệu.
Chúng ta đều biết, thương hiệu đóng góp rất nhiều vào trong giá trị cho một sản phẩm. Thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm với số lượng, trị giá đứng tốp đầu thế giới, nhưng phần nhiều chưa được gắn với câu chuyện thương hiệu mà còn dưới hình thức sản phẩm thô, sản phẩm mới qua sơ chế và khi bán ở thị trường quốc tế đôi khi lại phải đứng ở một thương hiệu hay nhãn hàng khác, đấy cũng câu chuyện và nội dung chính mà phía Bộ Công Thương và Chương trình Thương hiệu Quốc gia sẽ hướng tới đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội về vai trò của thương hiệu.
Nhóm giải pháp tiếp theo là nâng cao năng lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực để xây dựng, quản trị và phát triển các thương hiệu sản phẩm nhằm tiệm cận, đáp ứng được các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, từ đó để hình thành các thương hiệu mạnh, qua đó xuất khẩu ra thế giới mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.
Chúng ta đều biết trị giá xuất khẩu hiện tại của nhóm doanh nghiệp trong nước mới đóng góp khoảng 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 và nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới đóng góp chính vào tỷ trọng xuất khẩu.
Với việc phát triển và xây dựng các thương hiệu mạnh như vậy và với giá trị của các sản phẩm được nâng cao, chúng tôi kỳ vọng sẽ một phần nào đó đóng góp vào việc tăng tỷ trọng đóng góp trong kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Cuối cùng là nhóm giải pháp đẩy mạnh, tuyên truyền quảng bá cho Chương trình Thương hiệu Quốc gia, thông qua đó cũng sẽ tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm đạt tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, để từ đó người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, điều đó không chỉ mang lại hiệu quả lớn hơn cho công tác phát triển ngoại thương mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia Việt Nam.
- Chủ đề năm nay là nâng tầm những giá trị cốt lõi, vậy ông có thể làm rõ hơn ý nghĩa của chủ đề này?
Ông Hoàng Minh Chiến: Chủ đề của năm nay là nâng tầm Giá trị cốt lõi. Phải phân định thế nào là giá trị cốt lõi của chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, gồm 3 nhóm giá trị lớn, xuyên suốt và phát triển cũng như đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa ngay từ đầu chương trình được Chính phủ giao Bộ Công Thương triển khai.
Đầu tiên là nhóm chất lượng, để một thương hiệu sản phẩm có uy tín thì đầu tiên phải có chất lượng và chất lượng đó phải có giá trị thương hiệu của sản phẩm.
Tiếp đến là nhóm đổi mới sáng tạo - một thương hiệu mạnh thì phải có sự đổi mới, sáng tạo và khác biệt so với các sản phẩm khác như thế nào và sẽ mang đến đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp đó từ điểm nhấn của doanh nghiệp đó (doanh nghiệp có thể áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, có thể nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới, sản phẩm theo định hướng không chỉ của Việt Nam mà của các nước phát triển như hướng tới kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững). Do vậy, doanh nghiệp không thể dừng đổi mới sáng tạo của mình, vì nếu dừng sẽ thụt lùi.
Cuối cùng, giá trị cốt lõi nằm ở năng lực tiên phong. Có thể đặt câu hỏi tại sao cùng trong lĩnh vực ngành hàng mà thương hiệu này lại mạnh hơn thương hiệu khác và phát triển tốt hơn, ở đây yếu tố tiên phong thể hiện ở uy tín của người đứng đầu sở hữu thương hiệu sản phẩm đó, tiềm lực tài chính và đầu tư, dẫn dắt ngành của doanh nghiệp đó.
Tổng hòa 3 giá trị cốt lõi đó sẽ tạo ra một thương hiệu mạnh và trong Chương trình Thương hiệu Quốc gia, chúng tôi luôn luôn hướng tới để cải tiến, hỗ trợ và hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới nâng tầm 3 yếu tố trên.
Hiện Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), sản phẩm của Việt Nam có rất nhiều lợi thế vì các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do đó đều dành ưu đãi về thuế quan, về thâm nhập thị trường cho sản phẩm của chúng ta, do vậy để thâm nhập và để có chỗ đứng phát triển tốt thì chúng ta phải xây dựng mạnh thương hiệu của mình và thông qua 3 giá trị cốt lõi trên.
Gia tăng giá trị cốt lõi cũng là kim chỉ nam không phải cho chương trình năm nay mà sẽ xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển không chỉ bây giờ mà kể cả sau này. Việc công nhận 3 nhóm giá trị cốt lõi không phải do Việt Nam hay chương trình nghĩ ra mà nó được nghiên cứu và tổng hợp từ nhiều nghiên cứu quốc tế, từ các chương trình liên quan tới xây dựng phát triển thương hiệu của các quốc gia.
- Xin cảm ơn ông./.