Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến tôm xuất khẩu

Cà Mau tập trung phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh áp dụng quy trình tuần hoàn khép kín; sử dụng chế phẩm vi sinh học..., để người dân ứng dụng vào sản xuất.
Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến tôm xuất khẩu ảnh 1Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường tại xã Hòa Tân, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Hiện nay, nghề nuôi tôm ở Cà Mau chưa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Do vậy, tỉnh tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng nuôi tập trung, đầu tư phát triển hạ tầng, thủy lợi, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến ngành hàng tôm xuất khẩu.

Đặc biệt là đầu tư phát triển mạnh nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển mạnh ngành hàng tôm của tỉnh.

Xây dựng nhiều mô hình nuôi hiệu quả

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tính đến cuối năm 2018, diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh đạt gần 9.500ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt hơn 133.400ha, diện tích nuôi tôm sinh thái có chứng nhận đạt 19.000ha, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt hơn 2.000ha.

Tỉnh quy hoạch đầu tư phát triển mạnh mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh theo hướng tập trung, nâng cao hiệu quả, nâng suất và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh hiện có trên 1.500 hộ nuôi tôm siêu thâm canh. Bình quân năng suất tôm đạt từ 40-50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 85%.

[Nông dân Cà Mau tạm ''treo ao'' do giá tôm sụt giảm mạnh]

Ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau có tỷ lệ thành công cao. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã áp dụng các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả như ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất như quy trình nuôi Biofloc kết hợp tuần hoàn nước, quy trình nuôi thay nước, xây hầm biogas nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau. Trung bình 1ha mặt nước thả tôm nuôi sẽ đạt 60-70 triệu đồng/năm. Trước đây, quy trình nuôi tôm truyền thống của bà con chưa đúng kỹ thuật, không ít hộ dân đã sử dụng chất cấm, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, từ khi áp dụng kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến bền vững bằng biện pháp nuôi tự nhiên, sử dụng rong, cỏ có sẵn trong ao nuôi là thức ăn cho tôm, nên góp phần khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thêm nữa, mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất trồng lúa ở huyện Thới Bình cũng là mô bình mang tính bền vững. Toàn huyện Thới Bình có diện tích nuôi tôm càng xanh đạt khoảng 16.500ha. Năng suất trung bình của tôm càng xanh trên đất trồng lúa đạt 190 kg/ha/vụ. Nhờ kết hợp nuôi tôm trên ruộng lúa nên hiệu quả sản xuất được nâng lên rõ rệt, người dân có nguồn thu nhập tăng cao và ổn định hơn so với cách nuôi truyền thống trước đây.

Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến tôm xuất khẩu ảnh 2Vệ sinh khử trùng, chuẩn bị thả nuôi tôm vụ mới tại một hộ dân huyện Phú Tân. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, cho biết Thới Bình là địa phương có tiềm năng phát triển mô hình tôm-lúa; nổi bật là mô hình xen canh lúa-tôm càng xanh và luân canh tôm sú. Mô hình này được đánh giá là vừa mang tính hiệu quả, góp phần cải thiện thu nhập cho nông hộ, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển mạnh các hình thức nuôi phù hợp theo từng vùng sinh thái. Đơn cử, phát triển tôm-lúa ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau; phát triển tôm-rừng ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân; phát triển nuôi xen canh cua, sò huyết ở các huyện ven biển. Cùng với đó, tỉnh còn quy hoạch, bố trí vùng chuyên canh lúa-tôm ở huyện Thới Bình, U Minh và thành phố Cà Mau.

Phát triển nuôi tôm bền vững

Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã phát triển ngày càng nhiều mô hình nuôi tôm có hiệu quả. Tuy vậy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, áp thấp nhiệt đới, bão diễn ra với tần suất nhiều hơn và cường độ ảnh hưởng lớn hơn nên ảnh hưởng đến tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, môi trường nước bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất chế biến, nuôi trồng thủy sản cũng đặt ra cho địa phương nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian tới, cơ quan chức năng tỉnh tăng cường công tác quan trắc và quản lý môi trường vùng nuôi, giám sát và xử lý để giảm thiểu các nguồn xả thải gây ảnh hưởng đến môi trường nuôi tôm; quản lý kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh nhân rộng các mô hình nuôi có hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, tỉnh tập trung phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh áp dụng quy trình tuần hoàn khép kín; nuôi tôm thâm canh kết hợp cá rô phi, nuôi tôm có hố xi-phon, nuôi tôm hai giai đoạn, sử dụng chế phẩm vi sinh học..., để người dân ứng dụng vào sản xuất.

Đồng thời, chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng trong nuôi tôm như: VietGAP, GlobaGAP, ASC..., nhằm để nâng cao chất lượng sản phẩm; tuân thủ thực hiện tốt các các quy định về quản lý, phòng ngừa khi có dịch bệnh xảy ra, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tỉnh Cà Mau định hướng đến năm 2020 sẽ phát triển loại hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đạt diện tích 13.000ha.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, Ủy ban Nhân dân tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tập trung để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và tình hình thực tế của tỉnh, không để xảy ra trường hợp nuôi tôm tự phát, nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh nghiên cứu ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống điện, thủy lợi, bảo vệ môi trường; quan tâm thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục