Xây đường sắt cao tốc giúp giảm tai nạn giao thông

Theo các chuyên gia Nhật, nếu đẩy nhanh tiến trình xây đường sắt cao tốc, VN sẽ giảm được 26% tai nạn giao thông mỗi năm.
Ngày 15/9, tại Hà Nội, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cùng Hiệp hội xuất khẩu đầu máy toa xe Nhật Bản (JORSA) đã tổ chức Hội thảo “Đường sắt cao tốc Bắc-Nam” lần thứ 4.

Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Ngô Thịnh Đức cho biết: Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn 2050 đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa một số đoạn đường sắt cao tốc Bắc-Nam vào khai thác. Chính phủ cũng đã bố trí ngân sách để lập và thẩm tra Bảo cáo đầu tư cho dự án.

Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt nam đã hoàn thành báo cáo này để trình Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét. Trên cơ sở thẩm định, Chính phủ sẽ xem xét để trình Quốc hội vào tháng 5/2010. Thủ tướng đã giao cho các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào dự án.

Ở Việt Nam, hiện mỗi tháng có tới 1.000 người chết và bị thương vì tai nạn giao thông. Theo khuyến cáo của các chuyên gia Nhật Bản, nếu đẩy nhanh tiến trình xây dựng đường sắt cao tốc, Việt Nam sẽ giảm được 26% tai nạn giao thông mỗi năm.

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã trình bày về kinh nghiệm xây dựng và kinh nghiệm huy động nguồn vốn xây dựng đường sắt cao tốc để Việt Nam tham khảo trong quá trình xây dựng đường sắt cao tốc tại Việt Nam.

Phía Nhật Bản kiến nghị, để dự án đường sắt cao tốc ở Việt Nam khả thi thì việc xây dựng dự án nên thực hiện theo từng đoạn với điều kiện phải thúc đẩy phát triển đô thị dọc tuyến đường sắt cao tốc. Về huy động vốn, dự án này nên đầu tư theo hình thức nhà nước, tư nhân hợp tác, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Trong quá trình thực hiện, dự án phải tính toán được tối đa rủi ro và phân chia trách nhiệm giữa Nhà nước và tư nhân. Các cơ quan hành chính nhà nước cần chuẩn bị đầy đủ về mặt pháp lý để thực thi dự án đường sắt cao tốc.

Đặc biệt, để việc đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc đạt hiệu quả, sau khi xây dựng đường sắt cao tốc, chính quyền địa phương phải hình thành mạng lưới giao thông kết nối với ga của đường sắt cao tốc và phải quy hoạch đô thị xung quanh ga đường sắt cao tốc, nhằm tăng lưu lượng hành khách đến ga đường sắt cao tốc.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến có tổng chiều dài toàn tuyến 1.570km với tổng mức chi phí đầu tư là 38 tỷ USD. Trên tuyến sẽ có 26 ga, cự ly trung bình khoảng 60 km/ga, trong đó ga đầu mối là Hà Nội.

Công nghệ đường sắt Shinkansen (Nhật Bản) đang được đề xuất để lựa chọn. Đây là công nghệ đường sắt thuộc loại hiện đại nhất thế giới hiện nay và trong hơn 40 năm vận hành tại Nhật Bản chưa từng xảy ra sự cố.

Theo đánh giá của các chuyên gia Việt Nam, áp dụng công nghệ này, tốc độ đường sắt được nâng lên tới 300 km/h, nhờ đó rút ngắn hành trình Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh từ 30 giờ hiện nay xuống còn chừng hơn 5 giờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục