Xóa nghèo bền vững từ sinh kế cộng đồng

Tham gia câu lạc bộ sinh kế cộng đồng, nhiều dân nghèo ở Phú Thọ đã lùi xa cái nghèo, phát triển kinh tế nông hộ một cách bền vững.
Ông Nguyễn Văn Tuất (khu 2, xã Đồng Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ) dạo này khấm khá hẳn nhờ biết cách chăn nuôi hợp lý.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều gia đình được hưởng lợi khi tham gia vào Câu lạc bộ Sinh kế cộng đồng.

Cùng nhau bàn cách làm giàu

“Phấn khởi lắm! Từ khi áp dụng mô hình thả cá rô phi đơn tính và kết hợp nuôi lợn thịt, gia đình tôi đã xóa hẳn cái nghèo…,” ông Tuất vui vẻ nói với phóng viên Vietnam+ bên lề Hội thảo tổng kết dự án này tại Hà Nội, ngày 29/7.

Tham gia vào Câu lạc bộ Sinh kế của xã từ tháng 11/2006, ông Tuất cũng như 45 thành viên đã được tập huấn kỹ thuật về cây lúa, chè, rau màu cũng như vật nuôi, thủy sản.

Nhờ kiến thức thu được từ những buổi tập huấn, ông Tuất nhận thấy nhà mình có 1.000m2 ao, trước chỉ nuôi cá tạp thật lãng phí. Ông về bàn với vợ, quyết định vay vốn cải tạo rồi đầu  tư xây một hệ thống chuồng lợn trên mặt ao.

Với mô hình khép kín này, chẳng mấy chốc gia đình ông Tuất đã trả được nợ. Lợn nuôi trên mặt ao, vừa thoáng đãng, sạch sẽ nên ít bệnh. Phân lợn thì được xả thẳng xuống ao làm thức ăn cho cá rô phi đơn tính.

Làm phép tính nhẩm trong đầu, ông bảo rằng, trung bình nuôi được 20-45 con lợn/lứa, tổng thu nhập cả năm ở khu chăn nuôi này cũng vào khoảng 67-68 triệu đồng - điều mà trước đây, ông chưa từng dám nghĩ sẽ đạt được.

Tại Câu lạc bộ Sinh kế của xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, nhiều mô hình trồng trọt đã được áp dụng thành công. Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ lấy ví dụ về mô hình sản xuất chè an toàn, sản phẩm tiêu thụ không những dễ dàng, số lãi thu về cũng rất ấn tượng: 55,4 triệu đồng/ha…

Ông Thắng và ông Tuất nói rằng, khi sinh hoạt trong câu lạc bộ, bên cạnh việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều người cũng nêu ra những ý tưởng phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều người đã góp ý, hay chia sẻ kinh nghiệm để hàng xóm biết cách làm giàu.

Mạnh dạn nói điều suy nghĩ

Ông Lê Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban dự án Sinh kế cộng đồng của tỉnh nói rằng, những câu lạc bộ không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn giúp họ mạnh dạn nói lên điều suy nghĩ.

Theo đó, nhiều hội thảo dân chủ cơ sở tại các Câu lạc bộ địa phương đã được mở ra. Tại đây, những người dân chân lấm, tay bùn đã hiểu biết về pháp lệnh dân chủ cơ sở, quy chế dân chủ cơ sở. Họ cũng biết được phải làm thế nào để thực hiện phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra.”

Ông Tuất nói rằng, sau những buổi nghe như vậy, ông và bà con đã áp dụng vào thực hiện trong các hoạt động của câu lạc bộ cũng như đưa ra ý kiến tới chính quyền địa phương.

Thực tế cho thấy, để phát triển kinh tế bền vững, việc tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn đưa ý kiến, chuyển đổi trên chính đồng đất của họ là điều cần thiết./.

Dự án câu lạc bộ Sinh kế cộng đồng được Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững – SRD (thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật Phú Thọ triển khai trong khoảng thời gian từ 2006 – 2009.

Đã có 7 huyện với 30 xã của Phú Thọ tổ chức 30 Câu lạc bộ Sinh kế với 2.139 hội viên; trong đó có 1.541 hội viên nữ, 855 hội viên nghèo, 390 hội viên là người dân tộc.

Hội viên của 30 câu lạc bộ sinh kế, hầu hết là người nghèo. Ngoài việc tập huấn các kiến thức khoa học, các câu lạc bộ còn được tập huấn về thị trường, tiếp cận ngân hàng, giúp nhau về vốn…

Ngoài ra, nhờ sự thành công của các thành viên trong Câu lạc bộ, nhiều người dân trong cộng đồng cũng học tập và làm theo để phát triển kinh tế.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục