Xới cỏ, rửa bát cùng con chống chọi ung thư

Khi hỏi về tương lai của Tâm, mắt chị Tuyết rưng rưng: “Luôn là học sinh giỏi, nhưng giờ thì hy vọng đi học trở lại của cháu đã không còn...”
“Tình hình của cháu đang dần xấu đi, từ hơn tuần nay vết mổ lại ra mủ, rỉ nước. Chỉ sợ một ngày, cháu không gắng nổi nữa”, người mẹ ở tuổi 50 nhưng trông già hơn rất nhiều so với tuổi mình, chị Vũ Thị Tuyết, (quê xã Tiến Nông, Nông Cống, Thanh Hóa) nhìn con xót xa, nói…

Trong hơn một năm, bé Lê Thị Tâm (14 tuổi), con chị Tuyết, mắc bệnh ung thư máu đã phẫu thuật 6 lần. Hiện tại, một phần chân trái từ đầu gối trở xuống đã bị cắt bỏ. Nhưng lần phẫu thuật gần đây nhất, hồi tháng 2 được dự báo chưa phải lần cuối cùng…

Một năm, 6 lần phẫu thuật

Muốn gặp chị Tuyết phải chờ đợi từ sáng tới 3 giờ chiều, bởi đó mới là giờ nghỉ của chị. Công việc chị mới tìm được hơn tháng nay là rửa chén bát thuê cho cửa hàng cơm bình dân trước cổng viện K cơ sở 2 (xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội).

Đưa chúng tôi đến gặp bé Tâm, chị Tuyết lại vén một chân quần của con lên rồi từ từ hạ xuống, tay kia xoa đầu con, hỏi: “Trưa nay con có ăn hết phần cơm không?” Đứa bé, hai tay chống nạng - nhìn còi cọc so với những đứa trẻ 14 tuổi, nước da xanh rớt - thấy người lạ không trả lời, chỉ khép nép sau lưng mẹ…

Từ hai năm trước, tai họa ập xuống gia đình chị Tuyết khi bé Tâm thấy chân trái đau nhức và co giật liên tục. Khi đó, Tâm vẫn chưa học xong học kỳ một của năm lớp 8. Mấy ngày đầu, thấy con đau quá, gia đình đưa ra bệnh viện huyện. Không phát hiện ra bệnh, họ lại chở bé Tâm về nhà. Khoảng hơn 10 ngày sau, chân trái của em đã sưng to lên và không đi lại được…

Chỉ khi đó (thời điểm đầu năm 2008), gia đình đưa em ra bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá, đến tháng 5 thì Tâm được phẫu thuật lần đầu. Nhưng sau khi phẫu thuật, chiếc chân trái của Tâm vẫn đau và nhức dữ dội hơn.

Đã nhiều lần gia đình làm đơn đề nghị đưa Tâm ra Hà Nội chữa trị tiếp, nhưng lần nữa mãi, cuối cùng giữa những ngày tháng 6/2008, Tâm được đưa ra viện K cơ sở 2. Qua khám bệnh, chỉ 1 ngày sau, các bác sĩ hàng đầu ở đây đã quyết định phải mổ ngay.

Khi nhìn con sau khi mổ, Tâm mặc quần áo bệnh viện, chiếc ống quần chân trái thõng thẹo khiến người thân không khỏi xót xa. Bởi, kề từ giờ phút đó, một chiếc chân của Tâm đã vĩnh viễn rời khỏi cơ thể.

Cắt chân vẫn không khỏi, từ thời điểm đó tới nay, Tâm đã phải thêm 3 lần mổ nữa. Chị Tuyết bảo rằng, lần mổ gần đây nhất vào tháng 2/2009, tới giờ, vết mổ vẫn rò rỉ nước và mủ. Mỗi đêm, giấc ngủ của Tâm vẫn đứt đoạn với những cơn đau nhói.

Lòng tốt trên đời…

Bám trụ với con chữa bệnh hơn một năm, ban đầu khi mới ra Hà Nội, hai mẹ con thuê phòng trọ nghỉ, mỗi tháng tính riêng chi phí phòng trọ cho hai mẹ con là 600.000 đồng.

Để cầm cự lâu dài, cả chị và chồng đã quyết định mượn 4 sổ đỏ của anh em họ hàng để thế chấp ngân hàng, vay 50 triệu… Số tiền này, hiện tại cũng đã tiêu hết sau một năm trường kỳ thuốc thang và phẫu thuật cho bé Tâm. Nhà đã làm có bảo hiểm y tế, nhưng tiền thuốc chữa ngoài bảo hiểm vẫn là quá lớn.

Nhưng thời gian điều trị kéo dài. Cuộc sống của hai mẹ con chỉ quanh quẩn từ phòng trọ tới bệnh viện, mãi rồi cũng quen. Lúc Tâm đỡ đau, chị Tuyết đi xới cỏ, cấy lúa… cho những gia đình làm nông xung quanh lấy 40.000 đồng/ngày công để thêm tiền nuôi con. Nhưng công việc cũng không nhiều, những hôm trời mưa thì chỉ biết ngồi nhà.

“Có thời gian tôi lân la tới những nhà hàng bình dân để tìm việc. Việc gì tôi có thể làm, kể cả giúp việc hay lau chùi vệ sinh trong một xóm trọ. Nhưng công việc cũng chỉ bữa được, bữa không…”

Ngay lúc chán nản, lúc cùng cực trong ví chỉ còn chưa đầy 20.000 đồng, đang chờ tiền từ nhà gửi ra thì bà chủ quán cơm Tám Béo, gọi chị vào làm ở quán cơm với lương tháng 1 triệu đồng, lại có thêm chỗ ngủ và 2 bữa cơm trong ngày…

Trước đó một tháng, bé Tâm cũng được một chủ hàng thuốc xót thương hoàn cảnh, nhận ở miễn phí trong hiệu thuốc, cùng với người bán hàng.

“Hai mẹ con đều có chỗ ở tạm ổn, mỗi tội xa nhau. Mỗi lúc quán vắng khách, tôi đều chạy ra chỉ để nhìn thấy cháu. Những lúc thấy cháu đứng riêng ra một góc nhăn nhó, tôi biết vết mổ lại sưng tấy hành hạ. Nhìn biết vậy mà không biết giúp gì cho con…,” chị Tuyết tâm sự.

Khi hỏi về tương lai của Tâm, mắt chị Tuyết rưng rưng: “Luôn là học sinh giỏi, nhưng giờ thì hy vọng đi học trở lại của cháu đã không còn. Sự sống của cháu cũng chỉ ngàn cân treo sợi tóc.”

Tuy ở nhờ được, song mỗi tháng tiền thuốc men cho Tâm đã mất hơn 800.000. Bố của em cũng đã nghỉ làm thuê, ở nhà chăm bố mẹ già và cậu con trai 13 tuổi. Cuộc sống hai mẹ con bám trụ Hà Nội giờ gặp muôn vàn khó khăn. Chị Tuyết chỉ lo lắng nếu Tâm tái phát bệnh thì không biết lấy tiền đâu ra lo thang thuốc. Vay mượn cũng không thể, bởi sổ đỏ đã cầm cố hết.../.

Thông Chí – Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục