Xu hướng hợp tác song hành với cạnh tranh tại khu vực Đông Á

Là một mô hình tiêu biểu cho hợp tác và cạnh tranh khu vực và toàn cầu, Đông Á sẽ có những phân nhánh vượt ra ngoài ranh giới chính trị của khu vực.
Xu hướng hợp tác song hành với cạnh tranh tại khu vực Đông Á ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (bên trái), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (ở giữa) vàThủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên phải) tại cuộc gặp ở Thành Đô, Trung Quốc ngày 24/12/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Đông Á đã chứng kiến những thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua, cả về vấn đề đối nội của từng nước cũng như về quan hệ của họ với nhau.

Có thể chỉ ra 3 xu hướng chính dẫn đến những thay đổi đó. Thứ nhất, Đông Á trở nên quan trọng hơn về mặt kinh tế và chiến lược trong đời sống chính trị toàn cầu.

Thứ hai, chúng ta đã thấy sự trỗi dậy của các nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong bối cảnh chính trị trong nước ở hầu hết các quốc gia này.

Thứ ba, những biểu hiện của mối quan hệ vừa hợp tác kinh tế vừa cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia ngày càng mờ nhạt, với những bất đồng chính trị tác động đến dòng chảy và tần suất trao đổi kinh tế.

Tầm quan trọng ngày càng tăng của Đông Á trong nền chính trị toàn cầu

Tháng 10/2011, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hilary Clinton đã viết một bài báo về chính sách đối ngoại với tiêu đề Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ, trong đó nhấn mạnh “tương lai chính trị sẽ được quyết định ở châu Á, không phải ở Afghanistan hay Iraq,” đồng thời vạch ra mục tiêu của Mỹ là Chính sách châu Á.

Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ý định của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào khu vực - về mặt ngoại giao, chiến lược, kinh tế và các khía cạnh khác, dựa trên sự phát triển từ năm 2011: Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với định giá khoảng 5,88 nghìn tỷ USD (Nhật Bản là 5,47 nghìn tỷ USD).

Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ vào năm 2027. Đầu thập kỷ này, Đông Á đã trở thành nơi tương tác của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

[Nhật Bản nhấn mạnh chủ trương củng cố hợp tác vì an ninh ở Đông Á]

Hơn nữa, sự trỗi dậy “quyết đoán” của Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn. Đây là một sự phát triển đầy thách thức đối với trật tự khu vực, và việc theo dõi những động thái thay đổi của Bắc Kinh là một điều quan trọng cần cân nhắc đối với tất cả các bên.

Nó cũng đặt ra một thách thức đối với vị thế đứng đầu khu vực và toàn cầu của Mỹ. Cạnh tranh Mỹ-Trung, vốn là biến số quan trọng nhất về mặt chiến lược trong nền chính trị toàn cầu, đã trở nên đặc biệt rõ ở châu Á.

Sự thay đổi lập trường của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đã khiến Đông Á được chú ý nhiều hơn. Tokyo đã tích cực thúc đẩy và theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Abe đề xuất, một chiến lược ảnh hưởng đến các quan hệ thương mại của nước này với Bắc Kinh.

Một Nhật Bản “quyết đoán,” như chúng ta đã thấy trong thập kỷ qua, sẽ có những tác động đối với chính sách khu vực cũng như toàn cầu.

Sự thay đổi lãnh đạo ở Triều Tiên sau khi Kim Jong-il qua đời và mối đe dọa gây bất ổn từ vũ khí hạt nhân và năng lực tên lửa của Bình Nhưỡng cũng là một trong những vấn đề nổi cộm trong các mối quan hệ quốc tế.

Những tác động an ninh toàn cầu từ các vụ thử tên lửa và hạt nhân thường xuyên của Triều Tiên đã được xem xét nghiêm túc hơn trước, và dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Năm 2018, Mỹ đã cố gắng xử lý các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc bằng cách thiết lập các hàng rào thuế quan. Động thái này dần dần phát triển thành một cuộc chiến thương mại song phương.

Cùng với sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, cuộc chiến thương mại sẽ gây ra những hậu quả đáng kể cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự trỗi dậy của các nhà lãnh đạo mạnh mẽ và chủ nghĩa dân tộc ở nhiều quốc gia
Nền chính trị ở các quốc gia Đông Á cũng có những thay đổi đáng kể trong nửa đầu thập kỷ. Điều này không chỉ định hình bản chất nội bộ và đường lối của từng quốc gia, mà còn của khu vực.

Các nhà lãnh đạo “mạnh mẽ” đã lên nắm quyền và nhìn chung đa số dân chúng ở các quốc gia này ủng hộ sự thay đổi như vậy. Tập Cận Bình, trở thành chủ tịch nước Trung Quốc từ tháng 3/2013, đã cho thấy ý định thay đổi chiến lược “giấu mình chờ thời” của Bắc Kinh.

Điều này khiến Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán dưới sự cầm quyền của Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường và tập trung quyền lực thông qua các biện pháp chống tham nhũng và xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chức vụ chủ tịch nước.

Shinzo Abe nhậm chức thủ tướng Nhật Bản vào tháng 12/2012 và ông là nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất của Nhật Bản thời kỳ hậu chiến. Ông đã tìm cách thực hiện những thay đổi quan trọng trong lực lượng quốc phòng của Nhật Bản bằng cách sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp.

Tháng 12/2013, Abe đưa ra khái niệm “chủ nghĩa hòa bình chủ động” và kế hoạch 5 năm để phát triển năng lực quân sự. Tháng 7/2014, Tokyo đã diễn giải lại quy định trọng Hiến pháp về “quyền tự vệ tập thể” và cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) hỗ trợ và bảo vệ đồng minh nếu họ bị tấn công, điều trước đó không được phép.

Chính trường Triều Tiên đã trải qua sự thay đổi thế hệ trong đầu thập kỷ. Quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ thứ ba của gia tộc họ Kim diễn ra tương đối suôn sẻ. Kim Jong-un nhanh chóng nắm quyền và củng cố vị trí của mình.

Từ năm 2012 đến năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân và tên lửa hơn so với tất cả các năm trước cộng lại (tổng cộng 4 vụ). Năm 2018, Triều Tiên đã tạm dừng các vụ thử và tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ với hy vọng được nới lỏng trừng phạt. Tuy nhiên, các cuộc gặp đã không mang lại kết quả như mong đợi.

Tại Hàn Quốc, đời sống chính trị cũng có nhiều biến động. Những gương mặt bảo thủ như Lee Myung-bak và Park Geun-hye hay Moon Jae-in đều được coi là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ.

Những nỗ lực của các nhà lãnh đạo này nhằm hạn chế không gian dân chủ trong nước đã dẫn đến một cuộc biểu tình dân chủ bất bạo động, và dẫn đến việc bà Park Geun-hye bị luận tội vào năm 2017 - trường hợp đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc một tổng thống bị phế truất thông qua luận tội. Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in đã cố gắng khôi phục không gian dân chủ và nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Đài Loan đã cho thấy một xu hướng chính trị tương tự. Chính quyền Đài Bắc đã trở nên ít thỏa hiệp hơn với Trung Quốc, điều này được phản ánh trong việc thay đổi người lãnh đạo vào năm 2016 từ Mã Anh Cửu sang Thái Anh Văn.

Ban lãnh đạo mới tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập; một thực tế mà Tổng thống muốn Trung Quốc chấp nhận.

Tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia đến nền kinh tế

Trong lịch sử, quan hệ giữa các quốc gia Đông Á thường được duy trì theo 2 xu hướng. Các nước trong khu vực trước đây có thể tách biệt các mối quan hệ kinh tế đang phát triển với những bất đồng trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là những bất đồng về định hướng chiến lược và chính trị. Tuy nhiên, ranh giới này ngày càng trở nên mong manh.

Đầu giai đoạn 2010-2020, Trung Quốc và Nhật Bản đã đối đầu ở Biển Hoa Đông liên quan tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại, kinh tế giữa hai nước.

Quan hệ Trung-Hàn chứng kiến những xu hướng tích cực vào đầu thập kỷ, với việc các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã gặp nhau trong các năm 2013, 2014 và 2015.

Seoul cũng đã gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng và dẫn dắt bất chấp sự e ngại của đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, các mối quan hệ bắt đầu xấu đi khi Seoul cho phép Mỹ lắp đặt Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Một lần nữa, quan hệ kinh tế lại bị ảnh hưởng.

Mối quan hệ Trung-Triều cũng đã trải qua 2 giai đoạn trong thập kỷ này: bất hòa và sau đó là tái kết nối. Các nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tập Cận Bình đã không gặp nhau cho đến năm 2018.

Các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước cũng khá hiếm, và người ta cho rằng Bình Nhưỡng không hài lòng với việc Bắc Kinh tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.

Trước đó, khoảng trống trong các ưu tiên chính sách quốc gia không gây ra những tác động kinh tế lớn. Ví dụ rõ nhất về tác động chính trị sang các vấn đề kinh tế là mối quan hệ Nhật-Hàn.

Điều này đặc biệt đúng trong 2 năm qua khi Seoul và Tokyo đều áp đặt các hạn chế thương mại “ăn miếng trả miếng” để phản ứng với căng thẳng chính trị leo thang. Khi Hàn Quốc tuyên bố ý định xem xét lại thỏa thuận về vấn đề phụ nữ “mua vui” và tòa án nước này yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những lao động bị cưỡng bức trong thời chiến, Tokyo đã loại Seoul khỏi “danh sách trắng” thương mại.

Điều này có nghĩa là một số mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc đã bị loại khỏi danh sách phê duyệt tự động.

Đối thoại ba bên thường niên về các vấn đề kinh tế và thương mại Trung-Nhật-Hàn bắt đầu từ năm 2008 cũng bị ảnh hưởng.

Hội nghị gần đây nhất dự kiến được tổ chức tại Seoul đã không diễn ra do Nhật Bản không hài lòng về vấn đề lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, đại dịch toàn cầu - chắc chắn đã ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế - có thể là một chất xúc tác tích cực đáng ngạc nhiên để thúc đẩy một số quan hệ hợp tác chính trị trong khu vực.

Có những dấu hiệu cho thấy các quốc gia Đông Á có thể sẵn sàng khôi phục sự tách biệt giữa các cam kết chính trị và kinh tế. Một dấu hiệu cho thấy xu hướng này là 3 nước Trung-Nhật-Hàn đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020 bất chấp những mâu thuẫn chiến lược.

Dự báo tương lai

Đối với bất kỳ dự đoán nào trong tương lai, cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ ở Đông Á sẽ là biến số phân tích quan trọng nhất.

Mặc dù có thể sẽ tiếp tục căng thẳng và đối đầu với Trung Quốc, Mỹ có thể hành động có nguyên tắc hơn. Washington cũng sẽ tìm cách khôi phục lòng tin của các liên minh.

Quan hệ Tokyo-Seoul hiện đang ở mức thấp nhất, nhưng điều này có thể được cải thiện trong những năm tới. Hai bên đều nhận thức được rằng bất kỳ sự xấu đi nào trong quan hệ sẽ gây bất lợi cho cả hai.

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ tiếp tục khó dự đoán và là nguyên nhân dẫn đến những lo ngại nghiêm trọng. Bình Nhưỡng không có khả năng phi hạt nhân hóa, mặc dù họ có thể chính thức tiếp tục đàm phán với Washington và Seoul về vấn đề này.

Cũng như giai đoạn 2010-2020, Đông Á sẽ tiếp tục - và thậm chí tích cực hơn nữa - trở thành trung tâm của chính trị toàn cầu. Là một mô hình tiêu biểu cho hợp tác và cạnh tranh khu vực và toàn cầu, Đông Á sẽ có những phân nhánh vượt ra ngoài ranh giới chính trị của khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục