Xử lý kịp thời các sự cố tàu cá, ngư dân gặp nạn trên biển

Trong ba ngày qua, lực lượng cứu hộ đã kịp thời đưa một ngư dân bị tai nạn lao động đi cứu chữa tại cơ sở y tế, đồng thời lai kéo hai tàu cá bị sự cố chân vịt ngoài khơi vào bờ an toàn.
Lai dắt một tàu cá gặp nạn vào bờ an toàn. (Ảnh minh họa: Võ Dung -TTXVN)
Lai dắt một tàu cá gặp nạn vào bờ an toàn. (Ảnh minh họa: Võ Dung -TTXVN)

Theo Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lúc 10 giờ ngày 11/9, tại vị trí cách phía Bắc Đông Bắc đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa khoảng 103 hải lý, ngư dân Lê Văn Quốc trên tàu cá QNg 94962 TS bị tai nạn lao động trong tình trạng không nói được, chân tay co giật nhẹ.

Tàu đang đưa nạn nhân chạy về Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tốc độ 7 hải lý/giờ. Thuyền trưởng đề nghị hỗ trợ cấp cứu.

Cục Cứu hộ-Cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chủ tàu duy trì liên lạc với tàu, kết nối tư vấn y tế; hướng dẫn tàu chạy về đảo Song Tử Tây để được hỗ trợ cứu chữa.

Bộ Tham mưu Hải quân chỉ đạo đảo Song Tử Tây sẵn sàng đón và cứu chữa bệnh nhân khi tàu cập đảo.

Lúc 4 giờ ngày 9/9, tàu cá NA 95093 TS (trên tàu có 7 ngư dân) bị mất chân vịt, tại vị trí cách phía Đông, cửa Lạch Quèn, tỉnh Nghệ An khoảng 54 hải lý.

Tàu cá BĐ 96129 TS (trên tàu có 4 ngư dân) bị gãy chân vịt, thả trôi lúc 19 giờ 30 phút ngày 8/9, tại vị trí cách phía Đông Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) khoảng 155 hải lý.

Ngày 11/9, hai tàu cá trên đã được các tàu cá NA 4427 TS và QNg 96169 TS lai kéo về Lạch Quèn, tỉnh Nghệ An và đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi an toàn.

Theo dõi chặt mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, mưa lớn kèm dông sét từ ngày 7-10/9 đã làm một người bị chết; 18 nhà bị tốc mái và bị sạt; một cột điện bị gãy; một công trình thủy lợi xã Yên Phong bị hư hỏng; 41,2ha lúa; 53ha cây ăn quả, cây lâm nghiệp; 8, 24ha cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại.

Km4 đường tỉnh lộ 177, quốc lộ 34 bị sạt lở gây ách tắc giao thông (hiện đã khắc phục xong); một điểm trường bị tốc mái hoàn toàn. Tổng ước tính thiệt hại 1,3 tỷ đồng.

[Thủ tướng chỉ thị triển khai biện pháp cấp bách ứng phó thiên tai]

Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố miền núi Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, dông, lốc sét, gió giật mạnh, thông tin kịp thời đến cộng đồng, người dân để chủ động phòng tránh.

Lực lượng chức năng tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục