Sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi nhập khẩu ước khoảng 157 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhìn về các chỉ tiêu từ đầu năm thì khả năng, tăng trưởng xuất khẩu cả năm sẽ không hoàn thành ở mức 10%, điều này do áp lực cạnh tranh từ thị trường thế giới đang ngày càng gay gắt, đòi hỏi những sản phẩm của Việt Nam phải không ngừng đổi mới để nâng cao giá trị, tạo vị thế trên thị trường.
Bên lề Hội thảo "Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025" do Bộ Công Thương phối hợp với dự án hỗ trợ thương mại và đầu tư châu Âu (Mutrap) tổ chức tại Hà Nội, ngày 14/12, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có một số chia sẻ về tình hình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm.
- Thưa ông, chỉ còn vài ngày nữa sẽ khép lại năm 2016, vậy ông có thể đánh giá những thành tựu nổi bật của hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay?
Ông Trần Thanh Hải: Nếu nhìn trong một quá trình thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có sự tăng trưởng rất ổn định, theo mạch mà chúng ta giữ được từ những năm trước đây, dự kiến xuất khẩu cả năm đạt 178 tỷ USD, nhập khẩu đạt 176 tỷ USD, như vậy mức tăng trưởng của chúng ta hiện nay ở cả hai lĩnh vực vào khoảng 18%.
Về cơ bản chúng ta thấy rằng cơ cấu xuất khẩu vẫn đang giống với tỷ lệ sản phẩm công nghiệp chiếm khoảng 80%, còn lại 5% là thuộc về các sản phẩm nông sản,...
Trong năm 2016 cũng không có những biến động lớn về xuất nhập khẩu, trong một số ngành hàng có thể có nhưng nhìn chung diễn biến đều tốt và đóng góp vào sự duy trì ổn định của các chỉ số chung của nền kinh tế.
- Vậy, ông đánh giá thế nào về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 ở mức 10%?
Ông Trần Thanh Hải: Các nước xuất khẩu lớn khác hiện nay tốc độ tăng trưởng cũng đang giảm sút, nhưng đến thời điểm này Việt Nam vẫn duy trì được và tăng trưởng ở mức 8% vẫn là lớn.
Tuy nhiên so với con số 10% chúng ta đặt ra thì vẫn còn một khoảng cách, bên cạnh các con số thuần túy thì chúng ta phải nhìn nhận giá trị chất lượng đằng sau những con số đó.
Với giá trị xuất khẩu hiện nay, chúng ta đã thể hiện việc tiêu thụ tốt nông sản cho bà con, tạo thêm công ăn việc làm cho các doanh nghiệp trong khối sản xuất công nghiệp, điều đó cũng có giá trị rất lớn đằng sau con số 8%.
- Áp lực về đồng nhân dân tệ đã tác động như thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam hay không?
Ông Trần Thanh Hải: Biến động tỷ giá trong thời gian vừa qua cũng có một số tác động, tuy nhiên nó cũng chưa lớn. Có thể thấy, thời điểm Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ cũng gây ra một hiệu ứng tâm lý nhất định, nhưng sau đó một thời gian rất ngắn thì nó cũng đã ổn định trở lại.
- Chúng ta sắp bước sang năm 2017, vậy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Trần Thanh Hải: Trong năm 2017, chúng ta cũng sẽ thấy một số hiệp định thương mại tự do mới, trong khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ký kết và đợi phê chuẩn.
Tuy nhiên, tương lai của TPP đang còn phụ thuộc rất nhiều vào một đối tác cực kỳ quan trọng là Hoa Kỳ. Hiện nay, khả năng phê chuẩn của Hoa Kỳ là chưa rõ và có nguy cơ nước này sẽ không tham gia hiệp định TPP này nữa, đây cũng là một thực tế mà chúng ta phải đối diện.
Bên cạnh TPP chúng ta cũng có những hiệp định khác như là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, hay hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Theo tôi, đây cũng là những hiệp định thương mại có tính chất rất quan trọng tương đương như TPP, và chúng ta cũng phải có một sự chuẩn bị để điều chỉnh hoặc tận dụng các lợi ích của các hiệp định mang lại.
Ở một góc độ khác thì bên cạnh việc mở rộng thị trường chúng ta cũng phải chú trọng đến việc điều chỉnh các ngành hàng. Hoạt động xuất khẩu của chúng ta cũng không chỉ nhắm đến việc chiếm lĩnh các thị trường mà chúng ta phải chiếm lĩnh được các ngành hàng mà chúng ta có lợi thế trên bản đồ thế giới.
Ví dụ cách đây 5 năm, chúng ta không thể nghĩ được rằng Việt Nam sẽ là một điểm sáng trong làng công nghệ hoặc cơ sở để sản xuất điện thoại di động, thì bây giờ chúng ta đã có tên. Phải chăng chúng ta có thể xác định lại các ngành hàng và phát triển các ngành hàng mà chúng ta có lợi thế.
Đặc điểm thứ 2 là trong thời điểm hiện nay, không có sản phẩm nào chúng ta có thể sản xuất từ đầu đến cuối. Khi đã chấp nhận trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì chúng ta phải chấp nhận chỉ là một khâu trong đó. Nhưng vấn đề là, chúng ta sẽ tham gia từ khâu nào để thu được lợi ích tối đa và mang về giá trị nhiều nhất.
Những khâu trong thương mại quốc tế đem lại giá trị lớn thường nằm ở khâu phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm, đây là những khâu cuối, hạ nguồn. Còn những khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, sản xuất cũng đem lại giá trị nhưng thường là thấp hơn. Việc điều chỉnh tái cơ cấu các ngành kinh tế trong nước sẽ gắn rất chặt với chính sách về thương mại.
Ở góc độ ngược lại, chúng ta cũng thấy rằng nhập khẩu cũng có tác dụng tốt nếu nó đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế cũng như đời sống của chúng ta, đặc biệt là các nguyên liệu. Nhập khẩu cũng kích thích việc tái cơ cấu kinh tế để chúng ta lựa chọn được các ngành kinh tế nào có giá trị gia tăng cao nhất để sản xuất.
Hiện nay, nhập khẩu về cơ bản cân bằng với xuất khẩu và góp phần đảm bảo chỉ số duy trì ổn định. Nó cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp có các hoạt động gia công, từng bước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
- Xin cảm ơn ông./.